MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người cao tuổi tập thể dục, Aerobic bật bằng loa thùng công suất lớn tại khu vực giáp đường 416 thuộc thôn Kim Tân (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Người dân cung cấp

Sống khổ vì ô nhiễm tiếng ồn

Tùng Giang LDO | 02/03/2024 10:34

Mỗi ngày, từ 19h - 21h tối tại khu sinh hoạt công cộng nằm trên đường 416 thuộc thôn Kim Tân (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) những âm thanh ồn ào, tiếng nhạc chát chúa lại phát ra từ loa thùng, loa kéo của gần 50 cụ cao tuổi tập thể dục Aerobic. Người dân sinh sống tại khu dân cư cạnh đường 416 phản ánh đến Báo Lao Động, họ phải sống chung với những tạp âm này từ gần 2 năm nay.

Khổ sở vì các cụ cao tuổi dùng loa thùng tập aerobic

Theo chị Lê Thị Tá (thôn Kim Tân, xã Kim Sơn), cứ đến buổi tối, các cụ cao tuổi lại chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm bố trí một loa thùng công suất lớn đặt tại các vị trí khác nhau và cùng lúc phát ra tiếng ồn.

“Những buổi đầu mọi người sinh hoạt, gia đình tôi vẫn còn chịu được, nhưng tình trạng này kéo dài ròng rã đã quá sức chịu đựng của cả nhà. Con tôi không thể chuyên tâm học hành, cháu thường xuyên nói bị đau đầu và mất tập trung” - chị Tá nói.

Nhiều lần chị có ý kiến và gửi đơn đến cơ quan chức năng địa phương những gì chị nhận lại chỉ là lời hứa hẹn “sẽ giải quyết dứt điểm”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Minh (trú tại thôn Kim Tân, xã Kim Sơn) cho biết, đa phần các công trình xây dựng nhà ở tại đây là dạng nhà ống, không có cách âm. Việc sinh hoạt của các cụ cao tuổi thường xuyên diễn ra khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh bị đảo lộn nghiêm trọng.

“Do ảnh hưởng bởi tiếng ồn và trẻ em cũng bị hạn chế không gian vui chơi bởi các hoạt động thể dục, thể thao từ các cụ cao tuổi nên tôi đã từng đề xuất nên đưa hoạt động này vào khu vực sân vận động và nhà văn hóa thuộc xã Kim Sơn, nhằm tránh ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Nhưng không hiểu lý do vì sao đến nay hoạt động này vẫn diễn ra một cách ồn ào” - anh Minh thắc mắc.

Liên quan đến phản ánh từ các hộ dân khu vực đường 416 về vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, trao đổi với Lao Động, bà Lê Thị Chính - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn - thông tin: Địa phương có nhận được đơn và nội dung phản ánh từ người dân khu vực này. Vụ việc cũng đã được UBND thị xã Sơn Tây tiếp nhận và chuyển nội dung giải quyết về địa phương để xử lý.

Theo bà Lê Thị Chính, khu vực phản ánh bản chất là khu vui chơi, nội dung phản ánh nêu trên đã được phía xã Kim Sơn giải quyết và trả lời người dân theo quy định.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao tình trạng này vẫn diễn ra, vị lãnh đạo UBND xã Kim Sơn cho rằng, các hội nhóm người dân hoạt động trong khu vui chơi là đúng quy định, họ cũng không mở loa quá to nên khó xử lý.

“Thực tế việc xử lý là không dễ. Bởi để xác định đúng mức độ ô nhiễm tiếng ồn vẫn phải cần đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, từ đó mới có căn cứ để xử phạt. Địa phương chỉ có thể đứng ra nhắc nhở các hội nhóm hoạt động trong khung giờ quy định, giảm tối đa lượng tiếng ồn phát ra” - bà Lê Thị Chính nói.

Cần nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng - đánh giá, vấn nạn về tiếng ồn rất nguy hại nhưng lại ít được quan tâm.

Ô nhiễm tiếng ồn có thể xuất phát từ các phương tiện giao thông, quá trình sản xuất kinh doanh, xây dựng hay đến từ các thói quen sinh hoạt hộ gia đình và các hoạt động công cộng...

PGS.TS Bùi Thị An dẫn chứng, riêng tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính ở Thủ đô cho thấy, tiếng ồn vào ban ngày vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 - 8,1 dBA. Còn vào ban đêm, vượt tiêu chuẩn từ 10 - 20 dBA.

Theo bà An, để quản lý tốt thì cần nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, có thể xem việc xử lý vi phạm tiếng ồn là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức mới có thể giải quyết và quản lý tốt vấn đề này.

Chính phủ dù đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế cho Nghị định 55, năm 2021), có hiệu lực từ ngày 25.8.2022 với mức xử phạt cao nhất từ 140 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá 40 dBA.

Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định, việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa bao giờ là dễ dàng, bởi cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong khi chúng ta chưa được trang bị đầy đủ thiết bị đo tiếng ồn. Khi bị kiểm tra, phát hiện thì người vi phạm dừng hoạt động và ngay sau đó lại tái diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn