MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HIện mới chỉ có 1 thang máy của toà nhà CT1A hoạt động trở lại, thang máy còn lại vẫn "đóng cửa". Ảnh chụp ngày 24.2. Ảnh: Quế Chi

Vụ thang máy khu nhà ở công nhân dừng hoạt động: Trách nhiệm thuộc về ai?

Quế Chi LDO | 04/03/2022 14:32

Liên quan đến vụ việc thang máy toà nhà CT1A (khu nhà ở công nhân Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) phải dừng hoạt động, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc dừng hoạt động thang máy thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt là Công ty - PV) và yếu tố khách quan. 

“Thuộc trách nhiệm của công ty”

Báo Lao Động vừa nhận được văn bản trả lời từ Sở Xây dựng Hà Nội do Phó Giám đốc Mạc Đình Minh ký. Trong văn bản, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc thang máy của chung cư CT1A phải dừng hoạt động do các yếu tố khách quan và chủ quan.  

Về yếu tố chủ quan, Sở Xây dựng Hà Nội diễn giải: Hàng năm, công ty có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì và phương án quản lý vận hành năm tiếp theo theo quy định trình Sở Xây dựng phê duyệt trước ngày 15.8 hàng năm.  

Trên cơ sở kế hoạch bảo trì, phương án quản lý vận hành năm tiếp theo được Sở Xây dựng phê duyệt, công ty có trách nhiệm lập dự toán thu, chi công tác quản lý vận hành năm tiếp theo theo Thông tư số 124/2016/TT-BTC ngày 3.8.2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý số tiền thu được từ cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; thanh toán tiền chênh lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở gửi Sở Xây dựng trước 15.10 hàng năm và Sở Tài chính thẩm tra, trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt dự toán thu, chi công tác quản lý, vận hành năm tiếp theo trước 31.12 hàng năm.  

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, trong quá trình thực hiện, công ty thực hiện công tác lập và trình dự toán thu, chi công tác quản lý vận hành (bao gồm bảo trì vận hành) chưa đảm bảo thời gian theo quy định trên nên dự toán thu, chi công tác quản lý vận hành năm 2021 được phê duyệt chậm so với quy định.  

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cho rằng, yếu tố khách quản là do cơ chế quản lý các khoản thu, chi liên quan đến quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải để ở chưa được Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn nên việc phê duyệt dự toán thu, chi công tác quản lý vận hành năm 2021 được phê duyệt chậm.  

Cụ thể: Ngày 31.12.2021, Uỷ ban nhân dân thành phố đã có văn bản số 4772/UBND-KT chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Xây dựng “Trong thời gian chờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, thống nhất về chủ trương đề xuất của Sở Tài chính tại Văn bản số 7636/STC-TCHCSN ngày 2.12.2021 về việc cho phép tiếp tục thực hiện công tác quản lý nguồn thu, chi từ nguồn thu cho thuê quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không phải mục đích để ở tương tự như các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê để ở theo quy định tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC ngày 3.8.2016”. Trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo khác, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp quy định.  

Ngày 20.1.2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 256/VPCP-CN lấy ý kiến các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường về cơ chế quản lý các khoản thu, chi liên quan đến quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải mục đích để ở.  

“Do đó, việc dừng hoạt động thang máy thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và yếu tố khách quan” - trích văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội. 

“Công ty không làm chậm”  

Phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ tới Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để ghi nhận phản hồi về trả lời của Sở Xây dựng Hà Nội.  

Ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng Phòng Quản lý nhà ở xã hội và tái định cư, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - phủ nhận ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng công ty chưa đảm bảo thời gian theo quy định thực hiện công tác lập và trình dự toán thu, chi công tác quản lý vận hành năm 2021.

Một thang máy của toà nhà vẫn đang dừng hoạt động. Ảnh chụp ngày 24.2. Ảnh: Quế Chi 

“Công ty không làm chậm” - ông Dũng nói và cho biết cụ thể: Công ty đã trình văn bản này từ tháng 2.2021, nhưng mãi đến ngày 31.12.2021, tức là sau gần 10 tháng mới được ký. Ông Dũng nói thêm: Ở đây có cả câu chuyện của Sở Tài chính, Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt vào tháng 5.2021 nhưng Sở Tài chính Hà Nội không phê duyệt.  

Để chứng minh, ông Dũng gửi cho phóng viên văn bản số 256/KHTC-QL&PTN của Công ty gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc thẩm định và trình phê duyệt dự toán thu - chi công tác quản lý vận hành khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội năm 2021. Theo đó, văn bản đề ngày 8.2.2021, trong đó công ty đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài chính kiểm tra trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt dự toán quản lý vận hành quỹ nhà ở công nhân năm 2021 để làm cơ sở triển khai công việc tiếp theo đảm bảo đúng tiến độ được Uỷ ban nhân dân thành phố giao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn