MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để đạt chuẩn nông thôn mới, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đồng ý cho trường thu nhiều tiền của học sinh để xây dựng cơ sở vật chất. Ảnh: Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Lạm thu tại một trường vùng bị ảnh hưởng bởi cá chết ở miền Trung: 16 khoản thu và 2,8 triệu đồng/học sinh

HƯNG THƠ LDO | 11/10/2016 10:01
Quảng Trị cùng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, TT - Huế là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường cá chết gần đây. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc giúp đỡ những học sinh của các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng thật bất ngờ, báo Lao Động nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh có con em đang theo học ở Trường THCS Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) về một số khoản thu vô lý đầu năm học 2016 - 2017. Thậm chí có những khoản thu lên tới 600.000/học sinh để trường đạt chuẩn… Quốc gia!

Nơi được miễn nơi thu…thoải mái

Một động thái đáng chú ý là đầu tháng 10 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chấp thuận miễn học phí năm học 2016 - 2017 cho học sinh ở 4 huyện vùng biển, gồm: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh do chịu tác động của sự cố môi trường biển. Theo đó học sinh có hộ khẩu thường trú tại 16 xã thuộc 4 huyện trên vùng biển bị tác động bởi sự cố môi trường biển, cụ thể: Tổng số học sinh khoảng 13.000 người (mầm non, tiểu học, THCS, THPT), tổng số học phí xin giảm khoảng 3,8 tỉ đồng

Văn bản này được ban hành dựa trên đề xuất của Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị và UBND tỉnh, nhằm giảm bớt sự khó khăn cho ngư dân vùng biển, giúp con em ngư dân có điều kiện để tiếp tục đến trường.

Điều đáng nói, cùng trong một huyện Vĩnh Linh, có những xã được miễn giảm học phí cho học sinh nhưng cũng có những trường lại thu những khoản rất lớn.

Qua đơn thư, bạn đọc ở Đội 2, Tiên An, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị phản ánh tới báo Lao Động: “Những ngày qua, nhân dân có con em học ở Trường THCS Vĩnh Sơn hết sức búc xúc. Sự việc bắt nguồn từ những khoản thu từ nhà trường. Nhà trường chỉ đọc cho phụ huynh chứ không phát giấy tờ gì cả. Xong thì kêu phụ huynh ký vào tờ giấy đồng ý”. Một số khoản thu được bạn đọc liệt kê như sau: “Học phí: 270.000 đồng; Quỹ dạy và học: 250.000 đồng; Quỹ khuyến học trường: 50.000 đồng; Quỹ xây dựng nhằm xây dựng trường chuẩn quốc gia: 600.000đ; Quỹ phụ huynh lớp 100.000 đồng; Quỹ phụ huynh trường 150.000 đồng; Quỹ học thêm ôn tập cuối kỳ là 320.000 đồng…”.

Tổng cộng có tới 16 khoản thu với tổng số tiền hơn 2,8 triệu đồng/học sinh, phụ huynh cho rằng quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia 600.000 đồng; quỹ dạy và học 250.000 đồng; học thêm ôn tập cuối kỳ 320.000 đồng là nhà trường “lạm thu”. “Ở địa phương chúng tôi chủ yếu làm nghề nông, cuộc sống đã khó khăn mà còn phải đóng các khoản vô lý trên thì kiếm đâu ra tiền. Nhưng khi nhà trường đưa ra các khoản thu, dù có thắc mắc thì cũng phải ký đồng ý vì rất khó xử” - một phụ huynh có con theo học lớp 9 ở Trường THCS Vĩnh Sơn, cho hay.

Thu tiền học sinh để trường đạt chuẩn QG (!?)

Ông Trần Minh Huy - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Sơn cho biết, trước khi triển khai thu các khoản tiền trên, nhà trường đã được UBND xã và phụ huynh thông qua. “Hiệu trưởng là chủ tài khoản và là người nắm rõ, tôi phụ trách nội dung dạy và học nên chỉ biết sơ sơ, nhưng các khoản đã được tính toán chi tiết, khoản nào ra khoản nấy” - ông Huy, nói. 

Theo ông Huy, đợt rồi nhà trường có xây thêm một phòng ở tầng 2 dãy nhà hiệu bộ, huyện và xã hỗ trợ nhưng không đủ, nên trường đối ứng 70 triệu đồng. Vì vậy năm học mới này, thu mỗi em 600.000 đồng để trả số tiền trên và tới đây xây thêm phòng bảo vệ để đạt trường chuẩn quốc gia. Khoản thu dạy và học 250.000 đồng để phục vụ các hoạt động ngoại khóa cho học sinh như rung chuông vàng, trao thưởng. Riêng khoản học thêm ôn tập cuối kỳ 320.000 đồng thì tự nguyện, nếu học sinh nào có nhu cầu cuối kỳ ôn tập thì làm đơn rồi nộp tiền.

Ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn xác nhận, các khoản thu của nhà trường đã được xã thông qua. Theo ông Dũng, xã Vĩnh Sơn phấn đấu đến năm 2017 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới, để đạt được tiêu chí này thì trường cũng phải đạt chuẩn. “Vì vậy, chúng tôi đồng ý cho Trường THCS Vĩnh Sơn thu nhiều hơn các năm trước, để xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất” - ông Dũng, nói. 

Tuy nhiên, trước thực tế mà chúng tôi đề cập, là đa số phụ huynh có con em theo học ở trường làm nghề nông, rất khó khăn. Và những em học sinh lớp 9, dù phải nộp 600.000 đồng nhưng đợi đến khi các công trình hoàn thành thì các em đã ra trường, không được hưởng lợi gì. Đặc biệt, việc mọc thêm một phòng bảo vệ ở ngôi trường nông thôn chỉ để phục vụ cho việc đạt chuẩn, thì liệu có cần thiết? Trước những câu hỏi trên, ông Dũng hứa sẽ tổ chức họp, xem xét lại để ra mức thu hợp lý. 

Gợi ý dành cho bạn