MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Cát tặc” ngang nhiên múc cát gần bờ gây bức xúc trong dân.

Tại sông Cổ Chiên, Bến Tre: Người dân kêu cứu vì “cát tặc” lộng hành

Thanh Huyền LDO | 29/09/2016 11:37
Hơn 3 tháng nay, 20 hộ dân ở hai ấp Bình Thanh và Bình An (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Bến Tre) như “đứng trên đống lửa” vì bị “cát tặc” hoành hành cả ngày lẫn đêm. Người dân lo sợ mất đất, mất nhà nên gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng, nhưng chưa được giải quyết…
Theo đơn phản ánh của 20 hộ dân ở hai ấp Bình Thanh và Bình An, hơn 3 tháng nay tại khúc sông Cổ Chiên thuộc xã Hòa Nghĩa xuất hiện 1 chiếc xáng cần (loại ghe cần cẩu) múc cát cả ngày lẫn đêm. Người dân bức xúc bởi việc khai thác cát trái phép đã làm lở bãi bồi từ Vàm Kinh xuống phía hạ lưu sông Cổ Chiên dài trên 1km.
Hộ ông Lê Dương (71 tuổi, ấp Bình Thanh) phản ánh: “Ban ngày phương tiện khai thác cát cách bờ khoảng 200m, đêm đến lén lút đưa sát vào gần bờ múc cát. Đã 3 tháng nay rồi, hỏi đất cát nào mà chịu nổi, không sạt lở?”. Cũng theo phản ánh của người dân, khoảng vài năm trước, để gia cố đê bao dọc bờ sông Cổ Chiên đoạn thuộc xã Hòa Nghĩa, chính quyền địa phương thu thuế của dân theo đầu công đất (500.000 đồng/công) để làm đê. Vì lợi ích chung, người dân đồng lòng đóng thuế để làm đê bao. Tuy nhiên, nhiều năm nay tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan khiến đê bao bị sạt lở nghiêm trọng. Để giữ đất, giữ vườn cây ăn trái, người dân phải tự bỏ kinh phí ra gia cố đê bao tự “cứu mình”.
Bà Nguyễn Thị Diền (ngoài 70 tuổi, ấp Bình Thanh) than thở, trước đây nhà bà cách bờ sông khoảng 200m. Nay sạt lở ngày càng nhiều, sông đã lấn sát vách nhà. “Nếu tình trạng khai thác cát cứ kéo dài, nhà tôi không biết sẽ bị đổ xuống sông lúc nào”- bà Diền lo lắng. Hộ ông Huỳnh Văn Bình (ấp Bình An) bức xúc: “Hơn 3 tháng nay người dân chúng tôi sống trong tâm trạng bất an bởi hằng đêm tiếng động cơ của xáng cần nổ ầm ầm, vang động cả xóm”. Nhiều người dân cho hay, nạn “cát tặc” hoành hành tại khúc sông này hơn 3 tháng nay diễn ra suốt ngày đêm nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Hộ ông Bình cho biết, “chúng tôi đã nhiều lần đến trực tiếp chính quyền địa phương xã Hòa Nghĩa phản ánh nhưng được người có thẩm quyền của xã này trả lời xã không biết. Khi tôi cầm đơn lên Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Chợ Lách phản ánh thì nhận được câu trả lời: “Huyện không cho khai thác cát, còn tỉnh có cấp phép cho khai thác hay không thì huyện không biết”. Quá bức xúc, người dân cho biết, họ sẽ gửi đơn lên tỉnh yêu cầu can thiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng phòng TNMT huyện Chợ Lách thừa nhận, mỏ cát trên đã hết phép khai thác từ nhiều năm qua và ngành chức năng không cấp phép mới cho doanh nghiệp vào khai thác cát. “Qua phản ánh của người dân, chúng tôi có vài lần đi kiểm tra, phát hiện vi phạm và có xử phạt chủ phương tiện 1 lần với mức phạt 16 triệu đồng”- ông Việt nói. Ông Việt khẳng định, việc để xảy ra tình trạng khai thác cát nóng trên địa bàn xã nào là chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Về phòng TNMT huyện chỉ kết hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử phạt.
Theo phản ánh của người dân, mỗi lần có đoàn huyện xuống kiểm tra, là như có “nội tuyến” nên chủ phương tiện gác cần, dừng khai thác cát. Khi đoàn kiểm tra đi khỏi, phương tiện lại tiếp tục buông cần múc cát ngang nhiên. Trước thực trạng trên, người dân bày tỏ mong mỏi ngành chức năng sớm vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát gần bờ trên để người dân an tâm sinh sống.

Gợi ý dành cho bạn