MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

6 thói quen xấu khi nấu ăn vô tình gây hại cho sức khỏe

Hà Giang LDO | 12/02/2021 12:30

Chúng ta có rất nhiều phương pháp nấu ăn và ăn khác nhau. Nhưng nếu việc nấu nướng không đúng cách sẽ làm lãng phí chất dinh dưỡng trong thức ăn và có thể tạo ra những chất không tốt cho sức khỏe.

Ngâm rau lâu khi rửa

Theo chia sẻ của Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên giám đốc Trung tâm khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Khi ngâm rau lâu, thuốc trừ sâu có thể ngấm ngược trở lại vào rau, củ quả. Một số chất có thể biến thành Nitrit. Khi Nitrit vào trong có thể kết hợp với các axit amin tạo thành chất nitrosamin – một trong những hợp chất được cảnh báo là tăng nguy cơ ung thư từ rất nhiều năm nay.

Không nên ngâm rau quá lâu. Ảnh: Hà Giang.

Hoặc ngâm rau bằng nước muối cũng thế, nhất là khi chúng ta pha nước muối với nồng độ đậm đặc, khiến cho chất dinh dưỡng trong rau củ quả bị hòa tan ra và mất đi rất nhiều. Bên cạnh đó, rau còn bị héo và nát.

Bác sĩ Hải cho hay: "Cách tốt nhất là chúng ta hay rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần. Khi rửa dưới vòi nước chảy ít nhất là 3 lần thì đã có thể làm trôi hết 90% các hóa chất bảo vệ thực vật và các loại vi sinh vật bám trên rau củ".

Không rửa nồi khi dùng lại để nấu món ăn khác

Nhiều người thường ngại rửa hoặc tiếc rẻ chút dầu mỡ vừa nấu ăn để không phải cho thêm dầu mỡ. Đó là thói quen nguy hiểm mà chúng ta nên bỏ ngay. Bởi chiếc nồi vừa dùng để đun nấu sẽ dính thức ăn, dầu mỡ, nếu tiếp tục được đun ở nhiệt độ cao sẽ bị cháy khét và sinh ra những hợp chất độc hại có thể gây ung thư. Bởi vậy cách tốt nhất, chúng ta nên nấu mỗi món ăn ở một dụng cụ khác nhau hoặc rửa thật sạch khi dùng lại xoong chảo để tránh các nguy cơ gây độc hại cho sức khỏe.

Dùng thớt quá lâu

Không nên sử dụng một chiếc thớt từ năm này sang năm khác mà đâu biết rằng thói quen này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Các loại vi sinh vật nằm trên chiếc thớt, nhất là những chiếc thớt cũ thì còn nhiều hơn là loại vi khuẩn trong nhà vệ sinh. Cách tốt nhất là chúng ta nên sử dụng thớt riêng để thái thực phẩm sống và chín và nên thay thớt sau mỗi 2 tháng.

Những chiếc thớt có hạn sử dụng, bạn không nên dùng quá lâu. Ảnh minh họa: Ảnh: Hà Giang.

Chờ dầu ăn bốc khói và rang cháy cạnh thức ăn

Theo bác sĩ Hải, dầu ăn chứa các axit béo chưa no, thế nên rất dễ bị oxi hóa khi ở nhiệt độ cao. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy các vitamin, khoáng chất có trong dầu ăn thành các chất độc hại. Các món ăn như thịt ba chỉ rang cháy cạnh, dưa xào cháy cạnh, măng xào cháy cạnh… đều sinh ra rất nhiều các hợp chất có thể gây ung thư

Rã đông thực phẩm ở nhiệt độ thường

Cách giải đông tốt nhất là giải đông thực phẩm trong tủ lạnh. Nếu bạn muốn nấu ăn vào ngày mai thì hãy để thực phẩm đông lạnh xuống ngăn mát tủ lạnh từ tối nay.

Bác sĩ Hải đưa ra lời khuyên: "Nếu bạn vội, hãy rã đông bằng lò vi sóng. Bởi thực phẩm đông lạnh ra môi trường có nhiệt độ thường 3 phút trở lên, vi sinh vật đã phát triển rất nhanh".

Rã đông thực phẩm ở nhiệt độ thường quá 3 phút, vi sinh vật đã phát triển rất nhanh. Ảnh: Hà Giang.

Đặc biệt, bác sĩ Hải nhấn mạnh sau khi giải đông thì phải nấu chín kỹ thực phẩm và không bao giờ được cấp đông lại bởi vi sinh sẽ làm thực phẩm biến chất và bị hỏng.

Đậy vung nồi khi nấu món xào

Khi chúng ta nấu các món xào, chính khói bốc lên được sinh ra từ dầu mỡ cháy. Bởi thế, nếu chúng ta đậy vung, thì các khói đó sẽ thấm vào thức ăn. Theo bác sĩ Hải, "khói từ dầu ăn cháy còn độc hơn cả khói thuốc lá", thậm chí gây viêm mũi họng. Nếu tiếp xúc thời gian dài còn có thể gây ung thư phổi giống như khói thuốc lá.

Bởi vậy, khi nấu ăn, nhất là các món xào, rán, chúng ta nên mở vung và bật máy hút mùi, mở cửa sổ cho thông thoáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn