MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hàng quán bày bán thức ăn cho học sinh tại cổng Trường Tiểu học Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh

Học sinh ăn vặt xúc xích rán, nem chua trước cổng trường nguy hiểm mức nào?

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) LDO | 16/10/2020 09:38

Thực phẩm không an toàn đang đe dọa đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, thậm chí là trường học - nơi được xem là môi trường an toàn của học sinh. Báo Lao Động trích đăng bài viết "Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nơi trường học" của ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia).

Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trong đó có nội dung: Các cơ sở giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cấm các loại hàng rong bán thực phẩm xung quanh các trường học khi không đủ điều kiện vệ sinh theo quy định.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: NVCC.

Thực phẩm không an toàn

Trước cổng trường luôn có đầy đủ các món ăn khoái khẩu, đa dạng của học trò như xúc xích rán, nem chua rán, thịt bò khô, bánh chuối rán, bim bim, kem,… kể cả các loại nước nước uống đóng túi với đầy đủ màu sắc, hương vị. Mức giá chỉ dao động từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Với mức giá trung bình, hương vị hấp dẫn, hình thức bắt mắt, những loại thực phẩm này được các em học sinh săn đón nhiệt tình.

Phần lớn đây đều là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác. Thậm chí những đồ ăn vặt được chế biến, bày bán ven đường nằm kề miệng cống, sát đường đi xe cộ qua lại, không che đậy, bụi bặm. Các nguyên liệu để chế biến nem chua rán, thịt bò khô, tương ớt, mỡ/dầu rán,…đều không rõ nguồn gốc suất xứ, chất lượng kém, thời hạn sử dụng chỉ có người bán mới biết.

Dầu/mỡ dùng để chiên rán, dùng đi dùng lại nhiều lần đã chuyển màu từ màu trắng vàng trong chuyển sang sẫm màu (dầu/mỡ đã biến chất sinh ra một số chất độc hại). Dụng cụ để chế biến, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không được che đậy.

Thức ăn đường phố mất vệ sinh, nhưng không ít các bậc phụ huynh lại tỏ ra khá dễ dãi trong việc chiều theo sở thích, nhu cầu của con. Việc này đã tạo cho học sinh thói quen ăn quà vặt mất an toàn vệ sinh trước cổng trường và tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe, bệnh tật của trẻ.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao

Những thức ăn đường phố bày bán ở nhiệt độ bình thường, môi trường có nhiều bụi, nhiều người qua lại, không được che đậy cẩn thận nên rất dễ bị ô nhiễm vi khuẩn, thời gian để càng lâu thì mức độ ô nhiễm càng cao. Do điều kiện thiếu nước các dụng cụ đựng và chế biến không được rửa sạch và thường bị ô nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Mặt khác người chế biến thức ăn đường phố vì chạy theo lợi nhuận nên có thể mua các thực phẩm đầu vào không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học trong chế biến thức ăn, đồ uống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với một số món phổ biến như nem chua, mối nguy hại của món này nằm ở vi sinh vật gây bệnh có trong nguyên liệu. Với đặc thù là thịt sống rồi làm chín bằng sinh học chứ không phải làm chín bằng nhiệt nên sự tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh ở món ăn này rất khó khăn và có thể không chắc chắn có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng.

Ngoài ra, trong xúc xích có nitrit được sử dụng như một chất bảo quản. Trong quá trình nấy, nitrit kết hợp với amin tự nhiên trong thịt, cá để hình thành hợp chất nitrosamin gây ung thư. Cũng có nghi ngờ cho rằng nitrit có thể kết hợp với các amin trong dạ dày để tạo thành nitrosamine gây ung thư tiêu hóa.

Để hạn chế việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề này. Các bậc phụ huynh nên hạn chế việc để con em mình sử dụng những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trước cổng trường.

Thay vào đó, chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà, chọn những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Về phía nhà trường cũng cần có công tác quản lý học sinh, tuyên truyền thông tin vệ sinh an toàn thực phẩm để giúp các em tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn