MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam đứng thứ 3 ở Châu Á về lượng tiêu thụ rượu bia (ảnh minh họa)

Mối nguy hại từ rượu thủ công

Minh Phạm LDO | 06/10/2015 17:26
Sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, rượu thủ công thường chứa một hàm lượng methanol  nhất định. Nếu vượt ngưỡng quy định, methanol trở thành chất độc có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tại sao trong rượu thủ công có chứa methanol?

Methanol là một loại cồn thường được sử dụng như là một dung môi phục vụ cho các ngành công nghiệp pha chế sơn, dung dịch lau kính xe, mực in máy photocopy… Methanol không phải là loại thực phẩm, vì vậy, việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0.1) có thể gây ngộ độc.

Trong các loại rượu pha thủ công có thể chứa methanol. Rượu thường được chưng cất từ gạo (tẻ, nếp) hoặc từ đường mía (dạng mật mía). Nhiều cơ sở chế biến rượu thủ công đã tận dụng bã mía hay dùng mật mía cặn chứa nhiều bã vụn để chưng cất rượu. Dù được ép kỹ đến mấy, trong bã mía, mật mía cặn vẫn còn đường và nếu lên men chưng cất thì vẫn có rượu. Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra methanol.

Rượu được chế từ loại cồn kém chất lượng cũng là nguyên nhân gây ra methanol. Một số loại rượu bán trên thị trường vẫn được chế bằng cồn thực phẩm hay còn cồn dược dụng hòa với nước. Loại cồn có chất lượng kém vốn có hàm lượng methanol aldehyde, aceton cao vượt tiêu chuẩn, nên khi pha ra rượu sẽ có nhiều methanol, aldehyde, aceton.

Bên cạnh đó, cồn khô dùng trong công nghiệp chứa methanol. Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc, để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn, mà không biết làm thế là đưa chất độc methanol vào rượu. Do không loại bỏ phần rượu chứa methanol lúc đầu nên khi chưng cất rượu thì giai đoạn đầu tiên sẽ có tạp chất methanol, aldehyde, aceton (vì các chất này bốc hơi ở nhiệt độ thấp, bốc ra ngay ra ở giai đoạn cất đầu).

Cách xử trí khi ngộ độc methanol

Theo bác sĩ CKII Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trung Vương TPHCM,  các trường hợp ngộ độc rượu do methanol nặng sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, người thân cần biết xử trí đúng cách khi nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu để tránh những tai biến đáng tiếc.

Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị ngộ độc methanol do rượu thường có các biểu hiện thần kinh như: nhức  đầu, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật, động kinh. Các triệu chứng về mắt như: Nhìn không rõ, nhìn mờ, không phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng, giãn đồng tử… Các triệu chứng hô hấp như: thở nhanh, nông, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp (các dấu hiệu này có thể xuất hiện muộn sau 18-24 giờ).

Khi thấy người thân có các biểu hiện trên sau khi uống rượu, người nhà nên chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cùng loại rượu mà người đó đã sử dụng. Từ mẫu rượu này, bệnh viện có thể xác định mức độ ngộ độc và có hướng xử trí tốt hơn. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành nhanh chóng, ổn định các chức năng sống của bệnh nhân (chức năng hô hấp, tuần hoàn…) và loại bỏ độc chất nếu có thể. Sau đó, bệnh nhân được sử dụng các thuốc đối kháng methanol và các điều trị hỗ trợ khác.

Rượu bia là thành phần không thể thiếu trong tiệc tùng vì tạo không khí vui vẻ, thân thiện, cởi mở, nhưng để ngăn ngừa ngộ độc rượu, khi uống rượu nên chọn các loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ và được các cơ quan chức năng kiểm định và cho phép lưu hành. Trước khi uống rượu, cần ăn lót để làm chậm hấp thu rượu; Nên uống lượng nhỏ và từ từ (không uống vì thách thức). Hãy lắng nghe cơ thể để biết dừng đúng lúc.

Minh Phạm

 Mối nguy từ rượu thủ công





Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn