MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghiên cứu mới sự liên quan của thực phẩm với khả năng đề kháng COVID-19

BÍCH THÙY LDO | 25/05/2021 11:26

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Nutrition, Prevention & Health, những phụ nữ dùng các thực phẩm chức năng bổ sung như vitamin D, omega 3 ít có khả năng xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Việc có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ hỗ trợ tốt cho khả năng miễn dịch. Và khi chế độ ăn uống không đầy đủ, việc bổ sung thực phẩm chức năng là điều cần thiết. Vitamin, khoáng chất và các chất bổ sung khác đã được chứng minh là đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng miễn dịch, có thể giúp giảm cảm lạnh hoặc cúm.

Trước thực tế, các nhà nghiên cứu đã tò mò, liệu có loại thực phẩm chức năng nào có thể làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 hay không? Tại Anh, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát cộng đồng trên một ứng dụng với 372.720 người đăng ký. Những người này phải sử dụng thực phẩm chức năng thường xuyên, bổ sung ít nhất 3 lần/tuần, ít nhất 3 tháng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.

Thực phẩm chức năng là lựa chọn của nhiều người để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đồ hoạ: Nguyễn Quyền.

Ứng dụng đã ghi lại việc sử dụng chất bổ sung với câu trả lời đơn giản "có" hoặc "không", nhưng không thu thập chi tiết về liều lượng của chất bổ sung. Các chất bổ sung được khảo sát gồm có: Probiotics, omega 3, vitamin tổng hợp, vitamin D, vitamin C, kẽm và tỏi.

Trong số 372.720 người đăng ký ứng dụng, khoảng một nửa đang dùng thực phẩm bổ sung. Sau khi xem xét kỹ càng các yếu tố từ độ tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể (BMI), tình trạng sức khỏe lẫn việc loại bỏ những người khảo sát nhiễm COVID-19, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người dùng men vi sinh thường xuyên ít có khả năng dương tính với COVID-19 hơn những người khác 14%. Với những ai dùng thực phẩm chức năng khác thường xuyên như omega-3, vitamin tổng hợp và vitamin D, khả năng ít nhiễm COVID-19 so với người không dùng lần lượt là 12%, 13% và 9%. Nghiên cứu cũng không cho thấy bất cứ sự khác biệt giữa những người dùng thực phẩm bổ sung kẽm, vitamin C hoặc tỏi với những người không dùng.

Tuy nhiên thực phẩm chức năng không phải là “thần dược” giúp mọi người khỏe mạnh. Việc sử dụng nó phải hết sức cẩn trọng. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.

Kết quả nghiên cứu là thế nhưng không có nghĩa mọi người, nhất là phụ nữ đổ xô đi mua thực phẩm chức năng. “Nghiên cứu của chúng tôi là một nghiên cứu quan sát chứ không phải một thử nghiệm lâm sàng, vì vậy nó khá mang tính suy đoán và chúng tôi không thể đưa ra các khuyến nghị mạnh mẽ dựa trên dữ liệu chúng tôi có,” Cristina Menni, Tiến sĩ, giảng viên tại King's College London cùng những người thực hiện công trình nghiên cứu cho biết.

Theo bà, kết quả nghiên cứu cần phải có những thử nghiệm đối chứng mới đưa ra kết quả thật chính xác. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng phụ thuộc vào sự "trung thực" trong những câu trả lời của người được khảo sát.

Trong khi đó, Lisa Young – chuyên gia dinh dưỡng tư nhân chia sẻ: “Tôi nghĩ nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu lớn đầu tiên quan sát mối quan hệ giữa một số chất bổ sung và nguy cơ COVID-19. Nó có thể hữu ích cho các nghiên cứu trong tương lai".

Theo bà Young, trong khi chờ thêm những kiểm chứng về khoa học, việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng vẫn là cách bảo vệ cho mình tốt nhất. Bà khuyên vẫn ưu tiên hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm hơn là thực phẩm chức năng bổ sung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn