MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt cho chế độ dinh dưỡng là bài thuốc tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Ngũ cốc nguyên hạt: Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Anh Tiên LDO | 29/12/2015 09:55
Người bị bệnh đái tháo đường thường được khuyên cáo giảm bớt gạo trắng (cơm) trong chế độ ăn và nhiều người lầm nghĩ các loại ngũ cốc khác cũng cần được kiêng cử. Thế nhưng đã có nhiều nghiên cho thấy, không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng, một số loại ngũ cốc còn là bài thuốc rất tốt cho người bị đái tháo đường.

Bài thuốc từ ngũ cốc nguyên hat

BS. Bùi Minh Đức (Khoa Nội tiết, Bệnh viện VIMEC) cho biết, gạo trắng ít chất xơ và chứa nhiều đường gluco nên dễ làm đường huyết tăng nhanh, vì vậy đa số bệnh nhân đái tháo đường thường được các bác sĩ khuyên không nên ăn nhiều gạo trắng. Nhưng chớ vì thế mà mọi người đánh đồng tất cả ngũ cốc đều giống gạo trắng. Cũng thuộc họ ngũ cốc nhưng các loại như gạo lứt, các loại đậu còn nguyên vỏ… lại có công dụng khá tốt với bệnh nhân đái tháo đường vì chúng thuộc loại ngũ cốc giàu chất xơ.

Một nghiên cứu của các khoa học tiến hành trên 9.702 nam giới và 15.365 phụ nữ tuổi từ 35-65 trong suốt 7 năm. Với 5 nhóm người, dựa trên việc sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ từ ngũ cốc, các nhà khoa học thấy rằng: nhóm ăn nhiều ngũ cốc giàu chất xơ nhất (trung bình 17g/ngày) giảm được 27% nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 so với nhóm ăn ít nhất (7g/ngày).

Từ kết quả trên, các nhà khoa học kết luận, chất xơ trong ngũ cốc có tác dụng làm giảm cholesterol có hại và tăng cholesterol có lợi cho cơ thể người ăn. Vì vậy, khẩu phần ăn nhiều ngũ cốc giàu chất xơ sẽ giúp người bị đái tháo đường giảm lượng cholesterol trong máu giúp đường huyết ổn định.

Bệnh nhân đái tháo đường có thể thay cơm gạo trắng bằng các chế phẩm từ ngũ cốc giàu chất xơ. Tốt nhất là ăn ngũ cốc nguyên hạt hoặc xay sát không kỹ như vậy sẽ giữ lại chất xơ và đỡ bị mất vitamin. Những carbohydrat phức hợp trong các loại ngũ cốc giàu chất xơ như gạo lứt, hạt ngô, các loại đậu còn nguyên lớp vỏ lụa bên ngoài vừa giúp điều hòa sự hấp thu chất đường vừa tăng cường sự chuyển hóa chất béo.

Do đó, ngoài việc ít ăn đồ ngọt, giảm bớt các loại cơm trắng, bún, phở, bánh mì trắng… người bệnh nên tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt và rau củ. Đây cũng chính là thói quen có ý nghĩa nhất trong chế độ dinh dưỡng phòng chống đái tháo đường.

Ngũ cốc nguyên hạt là gì?

Ngũ cốc nguyên hạt là các hạt ngũ cốc có chứa đủ 3 thành phần: phôi, nội nhũ và cám. Ngũ cốc nguyên hạt chủ yếu bao gồm gạo lứt, ngô, kê, gạo tím, cao lương, yến mạch, kiều mạch, lúa mỳ, mè đen và các loại đậu khô còn nguyên vỏ như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng….

Toàn bộ các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt cho bữa ăn có thể được thực hiện bằng cách rang và xay nghiền ngũ cốc nguyên hạt để có sản phẩm bột ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt là một nguồn tự nhiên cung cấp protein cũng như một nguồn carbohydrate.

Ngũ cốc nguyên hạt với hàm lượng chất xơ, khoáng chất và vitamin cao. Theo các chuyên gia, ăn nhiều ngũ cố nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên đến 30%. 

Những người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng thay thế ngũ cốc đã được tinh chế bằng ngũ cốc nguyên chất. Những loại ngũ cốc tinh chế như bột mì trắng đã bị làm sạch lớp cám và phần mềm tinh bột, trong khi đó các loại ngũ cốc nguyên chất như bột yến mạch, gạo nâu, lúa mạch và bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên chất vẫn giữ lại được những chất cám này.

Càng ăn nhiều thực phẩm chứa ngũ cốc nguyên hạt thì lượng insulin trong máu càng thấp. Insulin là một loại hormone chịu trách nhiệm giữ cho lượng đường trong máu (đường huyết) không bị lên quá cao - vì đường huyết cao là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Lượng insulin thấp ở những người khỏe mạnh cho thấy hormone này hoạt động có hiệu quả. Lượng insulin vượt quá không được sử dụng để giữ cho lượng đường huyết cân bằng.

Anh Tiên

 

 



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn