MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gừng là vị thuốc tốt được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền.

Những bài thuốc dân gian từ củ gừng

AN AN LDO | 01/04/2022 11:33
Trải qua nhiều thế kỷ, gừng trở thành hương liệu ẩm thực nổi tiếng trên khắp thế giới, đồng thời là một trong những vị thuốc quan trọng của y học cổ truyền ở nhiều quốc gia.

Lợi ích của gừng đã được chứng minh

Theo Dược sĩ Lê Hằng - Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam gừng là cây bản địa của Châu Á, đã được sử dụng cách đây hơn 4.400 năm. Từ lâu gừng trở thành hương liệu ẩm thực nổi tiếng trên khắp thế giới, đồng thời là một trong những vị thuốc quan trọng của y học cổ truyền ở nhiều quốc gia.

Ở Trung Quốc, gừng được dùng làm thuốc chống độc, an thần, chống viêm, kích thích ăn ngon miệng, dễ tiêu. Ở Nepal, gừng được dùng để chữa cảm cúm, cảm lạnh, ăn uống khó tiêu, viêm khớp.

Dưới góc nhìn y học hiện đại, tác dụng của gừng đã được chứng minh bằng nhiều công trình nghiên cứu trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Trong đó, tác dụng nổi bật nhất được biết đến là điều trị chứng khó tiêu và buồn nôn, đặc biệt là buồn nôn trong các trường hợp thai nghén ở phụ nữ, say tàu xe hoặc tác dụng phụ của các chất hóa trị liệu trong điều trị ung thư.

Ngoài ra, gừng còn chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có thể làm giảm hoặc ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do – thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh nan y như các bệnh ung thư, tim mạch. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy gừng là một loại thảo dược đầy hứa hẹn trong việc ức chế khối u, chống viêm, tăng cường miễn dịch, ổn định huyết áp …

Trong Y học cổ truyền, sử dụng gừng để chữa bệnh dưới nhiều dạng khác nhau như gừng tươi (sinh khương), gừng khô (can khương), tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội), bào khương (củ gừng đồ cho chín rồi để trong mát cho đến khô, sao lửa to cho xém đen) hoặc thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính), sinh khương bì (vỏ gừng tươi, phơi khô).

Gừng tươi có vị cay, mùi thơm hắc, tính nóng. Thường dùng để chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng. Dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, giải độc ngứa do bán hạ, cua, cá, chim, thú độc. Ngoài ra còn dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù và vết thương. 

Gừng nướng chữa đau bụng, lạnh dạ, đi ngoài. Gừng khô, gừng sao chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, ho suyễn và thấp khớp. Vỏ gừng có vị cay mát chữa phù thũng, thường dùng kết hợp với các vị thuốc khác thành bài thuốc. Lá gừng còn dùng để bọc thức ăn tránh ôi thiu.

Một số bài thuốc dân gian từ củ gừng

  • Chữa trúng phong cấm khẩu: Uống nước sắc kinh giới hòa với nước cốt gừng, nước măng vòi (lấy vòi tre hơ lửa vắt lấy nước cốt) và rượu, các thành phần liều lượng bằng nhau.
  • Chữa trúng hàn thổ tả: Gừng nướng khô tán bột, uống mỗi lần 12g với cháo.
  • Chữa ỉa chảy ra máu: gừng sống, ngải cứu lượng bằng nhau. Sắc uống.
  • Chữa đau bụng, đầy bụng, ỉa phân loãng: Gừng sấy khô, tán nhỏ, dùng nước cơm chiêu thuốc. Uống mỗi ngày 2-4 gam hoặc dùng gừng nướng, bỏ vỏ, thái lát, nhai với vài búp ổi hoặc búp chè.
  • Chữa nôn ọe: Nước gừng sống 10ml, sữa bò 20ml. Đun nóng uống.
  • Chữa nôn mửa, nấc: Gừng sống nhai nuốt từng ít một cho đến khi khỏi
  • Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe có đờm: Gừng khô, chích cam thảo 4g, nước 300ml. Sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Nếu thấy đỡ uống bớt đi.

Khi sử dụng gừng, cần lưu ý do tính có nóng, vị đắng, cay nên các bệnh thuộc chứng âm hư nội nhiệt, mắt đỏ họng lở loét, ho hen do sởi nhiệt, thai sản bị đầy trướng đều không nên dùng gừng.

Ăn gừng lâu sẽ tích nhiệt, làm tổn âm hại mắt, gây biểu hư (da kém) dễ đổ mồ hôi, ra mồ hôi trộm. Dùng gừng tươi giã nhỏ đắp ngoài da nhất thiết phải bôi thêm mỡ lợn hoặc kem dưỡng ẩm lên chỗ da rồi mới đắp để tránh tổn thương do nóng bỏng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn