MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gà rán giàu chất béo chuyển hóa, có hại cho sức khỏe. Đồ họa: Doãn Hằng

Sự khác biệt giữa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

DOÃN HẰNG (THEO BOLDSKY) LDO | 23/05/2022 20:00
Theo Boldsky, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa đều không lành mạnh đối với sức khỏe. Dưới đây là sự khác nhau giữa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

Chất béo bão hòa 

Chất béo bão hòa là một dạng chất béo ở trạng thái rắn ở nhiệt độ phòng. Chất béo bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm động vật và một ít trong các thực phẩm thực vật như dầu dừa và dầu cọ.

Các thực phẩm chiên và thực phẩm đóng gói sẵn cũng chứa nhiều chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa được coi là không lành mạnh vì có xu hướng làm tăng mức cholesterol xấu trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ do thiếu máu cục bộ. 

Nếu thay thế hoàn toàn chất béo bão hòa bằng carbs tinh chế, mức cholesterol tốt cũng có thể giảm xuống và mức cholesterol toàn phần trong cơ thể sẽ tăng lên. Do đó, không thể loại bỏ hoàn toàn chất béo bão hòa mà nên ăn với một lượng ít hơn 10% lượng calo mà cơ thể cần mỗi ngày. 

Chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo không lành mạnh được tạo ra bằng quá trình hydro hóa. Chất béo chuyển hóa được hình thành từ quá trình đun nóng dầu thực vật lỏng thành chất béo rắn với sự có mặt của khí hydro và chất xúc tác. Chất béo chuyển hóa tự nhiên có trong một số sản phẩm thịt như thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa. 

Thực phẩm chế biến sẵn như bánh pizza đông lạnh, bánh rán, gà rán và bơ thực vật chứa nhiều chất béo chuyển hóa có hại cho sức khỏe con người. Chất béo chuyển hóa trong các thực phẩm này có xu hướng làm tăng mức cholesterol xấu trong cơ thể. Chất béo chuyển hóa không tốt cho tim mạch, có thể gây viêm và kháng insulin, dẫn đến các bệnh lý như béo phì, tim mạch và tiểu đường. 

Các lựa chọn thay thế lành mạnh cho chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

- Dầu ô liu, dầu ngô và dầu hạt cải thay vì dầu dừa, dầu cọ.

- Sữa tách béo thay cho sữa nguyên chất. 

- Các sản phẩm thịt ít chất béo như ức gà và thịt cừu xay thay vì thịt đỏ. 

- Thực phẩm nướng, hấp và luộc thay vì đồ chiên. 

- Các lựa chọn thay thế đường như đường thốt nốt và mật ong thay vì đường thông thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn