MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

92% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19

Lan Nhi LDO | 05/05/2022 18:08

Kết quả điều tra PCI 2021 cho biết, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Ảnh hưởng bao trùm

Mới đây, VCCI vừa công bố Báo cáo PCI 2021. Kết quả PCI 2021 nhấn mạnh, có tới 92% doanh nghiệp (cụ thể là 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho rằng, hoạt động của họ trong năm 2021 bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Từ thực tiễn tiếp xúc với doanh nghiệp, GS Edmund Malarky  - Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cho biết: Các doanh nghiệp xuất khẩu đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý và tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như tiếp cận khách hàng quốc tế, đảm bảo số lao động có thể tham gia sản xuất.

GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cho biết, có khoảng 92% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu coi đây là mối quan tâm hàng đầu, với gần 75% phản ánh khó khăn về nhân lực. Trong khi đó, doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa chủ yếu gặp trở ngại ở việc tiếp cận khách hàng trong nước, với 61% doanh nghiệp FDI và 52% doanh nghiệp tư nhân.

Vấn đề lớn cuối cùng mà VCCI chỉ ra là thiếu hụt dòng tiền. Đây là một khó khăn phổ biến nhưng tập trung nhiều hơn ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các doanh nghiệp FDI ít bị ảnh hưởng hơn bởi vấn đề này thường do doanh số bán hàng cao hơn, cơ sở khách hàng đa dạng và khả năng tiếp cận tốt với các nguồn vốn và tài chính thay thế. 

Doanh nghiệp cần hỗ trợ trực tiếp

Với tác động của dịch COVID-19, về mặt nhân lực, báo cáo của VCCI cho rằng, 33% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 18% doanh nghiệp FDI đã phải tiến hành cắt giảm số lao động năm 2021. Trung bình, mỗi doanh nghiệp tư nhân trong nước đã buộc phải sa thải 4 hoặc 5 lao động, tùy theo doanh nghiệp có định hướng thị trường nội địa hay xuất khẩu, cho thôi việc khoảng 50% lực lượng lao động. 

Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu dự báo mức doanh thu thấp nhất trong năm 2021, phản ánh tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, doanh thu của nhóm này vẫn cao hơn đáng kể so với các nhóm doanh nghiệp khác. Khả năng phục hồi nhanh chóng, quy mô về nguồn lực tài chính, công nghệ là các yếu tố then chốt quyết định đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh của mình.

“Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu chịu thiệt hại lớn nhất với khoảng 56% báo lỗ. Các doanh nghiệp FDI định hướng thị trường nội địa cũng hoạt động kém hiệu quả hơn, với gần một nửa doanh nghiệp nhóm này (49%) báo lỗ.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang rất khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh bớt tệ hơn đôi chút. Gần 40% cả hai nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước xuất khẩu và định hướng thị trường nội địa báo cáo thua lỗ trong năm qua, cao hơn một chút so với năm 2020”, báo cáo PCI nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do COVID-19 gây ra, nhóm nghiên cứu PCI khuyến nghị các doanh nghiệp tư nhân định hướng thị trường nội địa đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 rất cần được hỗ trợ trực tiếp.

Cụ thể, cần có những chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng. Sự hỗ trợ thêm trong trung hạn để các doanh nghiệp tư nhân có định hướng xuất khẩu, triển khai chuyển đổi số, tự động hóa công việc, đặc biệt là số hóa các dịch vụ, sử dụng robot công nghiệp và học máy trong phân tích dữ liệu... để tạo ra những cải thiện lớn về năng suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn