MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường hiện đang ở mức ổn định. Ảnh: L.Linh

Bỏ áp trần giá sữa: Chưa có hiện tượng các doanh nghiệp sữa đồng loạt tăng giá

Linh Linh LDO | 11/05/2017 15:00
Đã hơn một tháng kể từ khi Bộ Công Thương thông báo kết thúc việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, theo ghi nhận của PV, giá bán lẻ các mặt hàng sữa không có nhiều biến động. Lo ngại việc bỏ trần giá sữa sẽ khiến các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá hiện chưa xảy ra.

Giá sữa bán buôn giảm, sữa bán lẻ ổn định

Theo khảo sát của PV tại một số siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.Hà Nội, sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được duy trì với nguồn cung dồi dào và mức giá ổn định, thấp hơn hoặc bằng
giá trần.

Cụ thể, giá sữa Dutch Lady Mau Lớn 900gr (0 - 6 tháng) dao động từ 240.000 - 246.000 đồng/hộp, sữa Dutch Lady Tập Đi 900gr (6 - 12 tháng) từ 236.000 - 240.000 đồng/hộp; Sữa Similac IQ Plus Intelli-Pro số 3 900gr (1 - 2 tuổi) là 442.000 - 480.000 đồng/hộp; Sữa Similac IQ Intelli - Pro số 4 900gr (2 - 6 tuổi) là 409.000 - 450.000 đồng/hộp; sữa Nestle Nan optipro 3 900gr có giá bán lẻ là 345.000 - 380.000 đồng/hộp; sữa Nestle Nan optipro 4 900gr có giá dao động từ 350.000 - 370.000 đồng/hộp…

Đáng chú ý, trong tháng 3.2017, đã có 8 doanh nghiệp kê khai giá sữa tại Bộ Công Thương trong đó có một số mặt hàng được kê khai mới với xu hướng giảm giá 3-10% tuỳ từng sản phẩm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - VITIC (Bộ Công Thương): “Giá bán lẻ sữa trên thị trường bán lẻ chưa có mức giảm tương ứng”.

Theo ghi nhận, từ ngày 17.4.2017, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã công bố mức giá bán buôn mới giảm từ 4 - 22% tùy loại so với mức giá cũ. Trong đó, sữa Dutch Lady Mau Lớn 900gr (0 - 6 tháng) có giá bán buôn mới giảm mạnh nhất lên tới 22%, tương ứng với giá 2.077.200 đồng/12 lon 900gr, tức là 173.100 đồng/hộp. So sánh cho thấy, mức giá bán lẻ vẫn “đứng im” so với trước và đang chênh với mức giá bán buôn từ 67.000 - 73.000 đồng/hộp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Thu Hương - chủ một đại lý bán sữa tại Hà Nội - cho biết: “Từ khi cơ quan quản lý bỏ trần giá sữa, giá các mặt hàng nhìn chung chưa có nhiều biến động. Riêng đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ sơ sinh, giá sữa Friso, Enfa… có tăng nhẹ một chút không đáng kể. Đợt vừa rồi một số hãng thông báo tăng giá nhẹ nhưng tôi vẫn nhập và bán theo giá cũ,
chưa tăng”.

Trước thông tin một số hãng sữa điều chỉnh giảm giá bán buôn nhưng giá bán lẻ vẫn “bất động”, chị Hương cho biết: “Hiện tại chưa có mặt hàng sữa nào giá bán lẻ giảm. Tuy nhiên, trong thời buổi hàng hóa cạnh tranh, khi nhà sản xuất giảm thì chắc chắn giá bán lẻ cũng sẽ giảm nhưng cần thời gian”.

Không có hiện tượng tăng tự do

Theo VITIC, sau khi Bộ Công Thương thông báo dừng áp dụng bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong tháng 4.2017 giá sữa trên thị trường không có nhiều biến động một phần do nguồn cung dồi dào, mặt khác do yếu tố cạnh tranh giữa các nhãn hàng. Mới đây nhất, ngày 4.5.2017, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nitifood Bình Dương kê khai mức giá sữa bán buôn không thay đổi so với mức kê khai thực hiện từ 1.6.2014.

Dự báo của Trung tâm này cho biết, thời gian tới do lượng tiêu thụ ổn định, giá nhập khẩu giảm, nguồn hàng của các doanh nghiệp còn khá dồi dào nên khi Nhà nước kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc kê khai giá sẽ giúp giá sữa trong nước không có hiện tượng tăng tự do, bất hợp lý.

Theo báo cáo của VITIC, trong quý I/2017, sản xuất sữa tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng sữa tươi ước tính đạt 293,7 triệu lít, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 3.2017 sữa tươi đạt 104,2 triệu lít, tăng 2,1% so với tháng 3.2016. Đối với sữa bột, tháng 3.2017 sản lượng đạt 8,3 nghìn tấn, tăng 15,5% so với tháng 3.2016, nâng sản lượng sữa bột quý I/2017 lên 25,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, trong quý I, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa giảm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 giảm mạnh nhất, đạt 61,34 triệu USD, giảm 22,1% so với tháng 2 trước đó và giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung trong quý I, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 214,67 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2016.

 

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn