MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Bộ Công Thương lý giải đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo

Phạm Dung LDO | 25/03/2020 11:48
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, do có độ vênh về số liệu của bộ nắm được và các tỉnh cũng như doanh nghiệp nên ngay sau khi Tổng cục Hải quan ra văn bản ngừng xuất khẩu gạo thì Bộ Công Thương lại có văn bản đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng. Nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có gạo đang tăng nhanh, đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ. Xuất phát từ đây, giá cả trên thị trường thế giới biến động. Theo theo dõi của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm đã đạt 935.000 tấn, mức tăng 32% so với cùng kỳ.  

Trong tình hình này, Bộ Công Thương đánh giá, nếu như xuất khẩu gạo vẫn như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Vì vậy, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án để Thủ tướng Chính phủ xem xét: Thứ nhất là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến tháng 5, thứ hai là cấp giấy phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Sau khi cân nhắc và lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng đã quyết định chọn phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo. Trên tinh thần đó, ngày 24.3, Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24.3.2020.

Tuy nhiên sau đó, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng có độ vênh nhất định so với số liệu của Bộ Công Thương có được.

Theo đó, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và một số doanh nghiệp cho rằng có thể có độ vênh trong số liệu xuất khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu tháng 3 có thể chững lại, không lớn hơn Bộ Công Thương dự kiến. Vì tháng 3 chưa kết thúc nên chưa thể biết số liệu của ai chính xác.

Một số tỉnh và một số doanh nghiệp cũng cho rằng, lượng tồn kho trong doanh nghiệp và lượng dự trữ trong dân cũng lớn hơn so với số liệu Bộ Công Thương nắm được. 

Nói về độ vênh này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, do trước đây, Bộ Công Thương có công cụ để nắm bắt được số liệu đó. Tuy nhiên, từ năm 2018, khi chúng ta quyết định tự do hoá việc xuất khẩu gạo theo Nghị định 107, số liệu Bộ Công Thương có được từ nguồn chính thống của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo của Hiệp hội, nên có thể có độ vênh. 

"Bộ Công Thương đã xin phép Thủ tướng Chính phủ được rà soát, xác minh lại số liệu chính xác và sẽ có báo cáo với Thủ tướng. Độ vênh là bao nhiêu sẽ có sau cuộc họp của Bộ với các tỉnh và doanh nghiệp", Thứ trưởng Khánh cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, với phương án giãn tiến độ xuất khẩu sẽ ít nhiều ảnh hướng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định, an ninh lương thực cho người dân là quan trọng nhất. 

Trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương dự kiến sẽ làm việc với ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp và đã lên các phương án nhằm giảm nhẹ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời kỳ này. 

Trước đó, ngày 24.3, Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24.3.2020.

Song ngay trong chiều 24.3, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn