MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thương mại điện tử trong logistics Việt Nam đang phát triển mạnh Ảnh: PV

Bùng nổ thương mại điện tử trong logistics Việt Nam

Lan Hương LDO | 11/04/2018 15:02
Sáng 10.4, tại hội thảo Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển, đại diện Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA) cho biết, thương mại điện tử đang là xu hướng chủ đạo của nền thương mại toàn cầu.

Số hoá logistics

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đào Trọng Khoa - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - cho biết: “Số hoá là xu hướng tất yếu mà các DN logistics của VN cần thực hiện. Đây không còn là sự lựa chọn của các DN nữa, mà là câu chuyện tồn tại, nếu DN đó vẫn tiếp tục kinh doanh trong ngành logistics. Ngày nay, mọi giao dịch bình thường được chuyển sang giao dịch của điện tử, ứng dụng công nghệ”.

Ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Express - đánh giá, “Thương mại điện tử sẽ phát triển bùng nổ cực kì mạnh mẽ trong những năm tới. Logistics cho thương mại điện tử cũng theo đà đó đi lên, tuy nhiên, ngành này ở Việt Nam hiện còn rất non trẻ. Đa số các công ty mới chỉ chuyển từ logistics truyền thống sang logistics thương mại điện tử. Các DN cần tập trung cho công nghệ, bởi khi sản lượng hàng hoá tăng trưởng, tự các DN cần suy nghĩ và thay đổi để đáp ứng kịp”.

Ông Đào Trọng Khoa cho biết, số lượng DN ứng dụng công nghệ trong hoạt động được tăng lên từ 15% - 20% đến 40 - 50%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn ½ DN chưa ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình. Chi phí logistics tại Việt Nam do VLA tính toán là khoảng 16,8%. Con số này còn cao so với trung bình Châu Á Thái Bình Dương là 12,5%, Thái Lan (15%), Singapore (8,5%). Các DN logistic cần ứng dụng công nghệ, số hoá hoạt động của mình để cải thiện dịch vụ, cắt giảm chi phí và đáp ứng xu hướng, đón nhận cơ hội mà thương mại điện tử mang lại.

Ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Express - cho rằng, các công ty cũng nên định hướng vào việc phát triển các phương tiện thân thiện môi trường. Một trong những trở ngại lớn nhất cho logistic ở Việt Nam là hạn chế phương tiện vận chuyển. Với sản lượng hàng hoá phát triển và phương tiện hiện nay có thể gây ra kẹt xe, vì vậy, các DN nên tìm ra phương tiện phù hợp và thân thiện môi trường.

“Ngoài ra, chúng ta cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực vì hiện nay nhân lực cho logistic hiện rất yếu và thiếu. Thêm vào đó, cần có sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để tạo hành lang pháp lý cho thương mại điện tử”.

Tiềm năng logistics

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỉ USD/năm. Dựa vào chuỗi giá trị của logistics tại Việt Nam, có thể thấy các hoạt động của chuỗi tập trung vào giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, lưu kho bãi, quản lý hàng hóa và vận tải quốc tế.

Theo báo cáo “Kết nối để cạnh tranh 2016: Logistics trong nền kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách, mặc dù đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Các DN logistics Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các DN FDI.

Hiện nay, tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, theo khảo sát của VLA là khoảng hơn 3000 DN, trong đó 20% là công ty nhà nước, 70% là công ty TNHH và DN tư nhân là 10%. Trước đây, các DN trong nước chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn trong chuỗi dịch vụ logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế như giao nhận (đại lý trong và ngoài nước), vận tải, dịch vụ kho bãi, xếp dỡ.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào thương mại quốc tế, các DN đang ngày càng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ nhằm cung cấp đầy đủ hơn các dịch vụ, thậm chí là dịch vụ “door to door” (giao hàng tận cửa) để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, những DN logistics đa quốc gia lớn nhất thế giới hầu hết đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi nổi tiếng như DHL, FedEx, UPS, Maersk, chiếm tỉ trọng đáng kể trên thị trường dịch vụ logistics của đất nước.

Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết “DN logistics Việt Nam còn khá non trẻ nhưng phát triển nhanh, phần lớn xuất phát điểm từ các hoạt động truyền thống như vận chuyển kho bãi... và đang phát triển các dịch vụ tích hợp có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay DN Việt Nam chỉ đang chiếm thị phần nhỏ. Năng lực giữa các DN không đồng đều, thiếu chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics.

Các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam như là một xu hướng hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn