MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về sản phẩm "made in Việt Nam". Ảnh: A.C

Chưa có quy định "Made in Việt Nam", xử lý doanh nghiệp như Asanzo khó

Cường Ngô - Dung Phạm LDO | 27/12/2019 11:35

Chủ tịch VCCI kiến nghị Bộ Công Thương là đầu mối để trình Chính phủ Nghị định về xuất xứ “Made in Việt Nam” cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam. Bởi, không có quy định thì không thể buộc tội doanh nghiệp được.

Khó khi xử lý vụ việc kiểu Asanzo

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương, sáng nay 27.12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong năm qua, ngành công thương đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đó là việc lần đầu tiên xuất nhập khẩu Việt Nam vượt 500 tỉ USD, đứng thứ 22 quy mô xuất nhập khẩu toàn cầu, Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết, hoàn thiện thể chế, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp...

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc cũng góp ý một vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành công thương. Theo đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị Bộ Công Thương là đầu mối để trình Chính phủ Nghị định về xuất xứ “Made in Việt Nam” cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam.

Ông Lộc nói, hiện nay, chúng ta đang có khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này, điều này làm cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không yên tâm. Chúng ta muốn xử lý một doanh nghiệp như Asanzo cũng rất khó, bởi vì nhà nước chưa có quy định gì về sản xuất “made in Việt Nam” để sản xuất, tiêu thụ ở Việt Nam. Không có quy định thì nhà nước không thể buộc tội doanh nghiệp được .

"Vấn đề của Asanzo không chỉ là chuyện của doanh nghiệp, mà của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; việc xử lý một cách không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam và tạo điều kiện hưởng lợi cho doanh nghiệp của các nước khác, các nền kinh tế xung quanh", ông Lộc cho biết, và cho biết quan điểm của VCCI sẽ thống nhất với Bộ Công Thương về vấn đề này, phối hợp với các bộ ngành rà soát, sớm ra Nghị định để định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam, để doanh nghiệp ổn định làm ăn kinh doanh.

"Công nghiệp hỗ trợ chưa thành công"

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Bộ Công Thương cần tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng chính sách công nghiệp theo nghĩa rộng.

Tất cả các nước Đông Á thành công trong thời gian vừa qua đều có vai trò dẫn dắt của nhà nước thông qua chính sách công nghiệp, một chính sách công nghiệp để định hướng, dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Bộ Công Thương cần tập trung cho nhiệm vụ này.

"Trong chính sách công nghiệp có nhiều việc, như ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều năm qua đã cố gắng tiếp cận, đổi mới công nghệ, nhưng phải thừa nhận “công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa thành công, cho nên FDI không kết nối được với doanh nghiệp trong nước, giá trị gia tăng không cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ không phát triển được”, ông Lộc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn