MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại nhiều làng quê trong phong trào xây dựng NTM, chúng ta không còn thấy rác thải, thay vào đó là những “con đường nở hoa”. Ảnh: Theo myduc.hanoi.gov.vn

Cơ cấu lại nông nghiệp, sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng

Nam Phong LDO | 12/11/2018 12:00

Theo Bộ NNPTNT, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khả quan, đã lồng ghép được các nội dung, giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp (NN), cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội

Tính đến hết tháng 9.2018 cả nước có 3.542 xã (chiếm 39,7%) đạt chuẩn NTM, có 55 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã chỉ đạo thành công các mô hình hiệu quả về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng như Hà Nam, Lâm Đồng, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm hiệu quả cao ở Đồng Nai, Tây Ninh, gắn với du lịch sinh thái, xây dựng các mô hình làng NTM kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, Hoa Lư - Ninh Bình, Phong Điền - Cần Thơ; phong trào mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Quảng Ninh...

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển theo hướng tích cực, tăng các hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,1% năm 2012 xuống còn khoảng 8% năm 2017. Riêng những xã đã đạt chuẩn NTM, khi bắt đầu thực hiện Chương trình, thu nhập bình quân là 16 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 11,6%, đến nay, thu nhập bình quân đạt 28,4 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,6%. Chương trình NTM đã xây dựng và nâng cấp được hơn 16.342 công trình nước sạch tập trung từ nhiều nguồn vốn khác nhau (ngân sách nhà nước, ODA và nguồn xã hội hóa). Tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 88,5%, tăng 12,5% so với năm 2008; tỉ lệ hộ dùng hố xí hợp vệ sinh tăng từ 55,2% năm 2008 lên 85,2% năm 2017.

Tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng từ 61% lên 65%

Việc lồng ghép thực hiện các nội dung của cơ cấu lại NN và xây dựng NTM đã được nhiều địa phương làm khá tốt, nhất là trong phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao đời sống nông dân. Giai đoạn 2013-2017 cơ cấu kinh tế nông thôn đã chuyển đổi tích cực, nâng cao dần tỉ trọng ngành nghề phi NN, thể hiện trên ba mặt chủ yếu: Chuyển dịch cơ cấu hộ sản xuất; chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu hộ theo nguồn thu nhập chính. Tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ trong kinh tế nông thôn đã tăng từ 61% năm 2013 lên 65% trong năm 2017. Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, đặc biệt là dịch vụ cơ giới hóa, thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật và thương mại cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản, cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt... Số hộ nông thôn tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã tăng từ 33,44% năm 2011 lên 40,03% (năm 2016). Số hộ nông thôn hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm xuống 53,66%. Tỉ trọng lao động nông thôn làm nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm xuống 51,39% năm 2016...

Bộ NNPTNT đánh giá so với Đề án Tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt, vẫn có một số nội dung cụ thể liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng NTM cần được tập trung thực hiện là đào tạo nghề cho các hộ nông dân, lao động nông thôn, cho các làng nghề và các vùng sản xuất chuyên canh; là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường trong NN nông thôn; đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.

Giai đoạn 2013-2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông lâm thủy sản là 389.000 tỉ đồng, chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển NN và nông thôn là 712.000 tỉ đồng, bằng 1,54 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó (2008-2012), thấp hơn mức tăng trung bình vốn ngân sách của cả nước (tăng 1,66 lần). Nếu tính cả yếu tố trượt giá thì vốn đầu tư trong 5 năm qua chỉ tăng 1,3 lần so với 5 năm trước. Tính riêng nguồn vốn do Bộ NNPTNT quản lý giai đoạn 2013-2017 từ ngân sách Nhà nước là 59,27 ngàn tỉ đồng, trung bình khoảng gần 12.000 tỉ/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn