MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Việt Nam cần những doanh nghiệp đầu chuỗi

Tuấn Minh LDO | 22/11/2019 12:03

Nhận định về tiềm năng của công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, trong 3 năm gần đây, nền công nghiệp điện tử Việt Nam đi vào thực chất hơn, các doanh nghiệp Việt như Viettel, BKAV, Vingroup… sẽ là các doanh nghiệp đầu chuỗi - giống như các doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Việt Nam.

Tại sao doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử... mãi chưa lớn?

Đánh giá về thực trạng và tiềm năng của các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay, tại buổi tọa đàm: "Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Cần bắt đầu từ đâu?", do Báo Lao Động tổ chức sáng 22.11, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, tiềm năng Công nghiệp hỗ trợ điện tử tại Việt Nam là có. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Công nghiệp điện tử ngoài tập trung vốn, đầu tư vốn cao công nghiệp điện tử còn cần tập trung cả lao động.

Hiện tỉ trọng gia công tại Việt Nam khá nhiều, còn các nước thế giới tập trung vào nghiên cứu phát triển là chính.

"Việt Nam có lao động lớn nhưng các doanh nghiệp còn một số hạn chế như quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính chưa có… Doanh nghiệp FDI tận dụng tốt cơ hội, còn doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ cơ hội để tận dụng phát triển.

Những doanh nghiệp đa quốc gia đầu chuỗi như Samsung, LG… có những tiêu chuẩn quản trị sản xuất, quản lý chất lượng rất khắt khe. Họ quy định chặt chẽ từ hạng mục nhỏ nhất. Còn doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, nguồn vốn, hỗ trợ công nghệ của Nhà nước", bà Đỗ Thị Thúy Hương cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng thì nhận định, đứng về phía các doanh nghiệp thì hiện nay, doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ điện tử không nhiều, các doanh nghiệp có đăng ký và có sản phẩm cung ứng cho thị trường cũng rất ít.

"Thực tình mà nói, chúng tôi chưa nhận được nhiều thông tin hỗ trợ của Chính phủ, hoặc các thông tin hỗ trợ chưa đến được các doanh nghiệp", ông Dũng thẳng thắn chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng. Ảnh: Tô Thế

Phân tích nguyên nhân tại sao các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cần 20 năm đã có Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử phát triển mạnh, tại sao ở Việt Nam làm 30 năm nay vẫn không xong, PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội nêu quan điểm, một doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm toàn cầu, vấn đề là phải có gì mới, mà muốn có điều này phải có bí quyết công nghệ, nếu không thì muôn đời đi sau. Doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo.

"Ở Nhật Bản và Hàn Quốc họ phát triển vì họ tìm ra sản phẩm đinh của ngành Công nghệ hỗ trợ điện tử. Ngành Công nghiệp điện tử ở Hàn Quốc, sản phẩm đinh của họ là tìm và sáng tạo ra Ram. Việt Nam cũng có thể học hỏi để phát triển tốt hơn, trả lời cho câu hỏi “tại sao ở Việt Nam làm 30 năm nay vẫn không xong”, ông Minh nhận định.

PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

Việt Nam cần các doanh nghiệp đầu chuỗi

Nói về giải pháp để các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử của Việt Nam bức phá, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng - các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần phải liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao.

"Đúng là liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nội và đa quốc gia (doanh nghiệp đầu chuỗi) là phù hợp với doanh nghiệp Việt hiện nay, doanh nghiệp Việt có việc làm ngay tại chỗ. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần có sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, do chính Việt Nam sản xuất.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp làm được điều này, có sự gắn kết lâu dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới là doanh nghiệp thầu phụ, chưa vươn lên được thầu chính. Doanh nghiệp đầu chuỗi cũng mong muốn nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia với họ nhưng do doanh nghiệp Việt còn hạn chế nên chưa thể thành thầu chính", bà Hương nói.

PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trong 3 năm gần đây, nền công nghiệp điện tử Việt Nam đi vào thực chất hơn, các doanh nghiệp Việt như Viettel, BKAV, Vingroup… sẽ là các doanh nghiệp đầu chuỗi, lúc đó, nhu cầu về nguồn lực, bí quyết công nghệ sẽ dồi dào hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn