MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Zing.vn

Đang kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho Asanzo

Phạm Dung - Văn Thắng LDO | 19/07/2019 18:12
Các đơn vị chức năng của Hải quan vẫn đang tiến hành kiểm tra, xác minh những tố cáo liên quan đến xuất xứ hàng hoá của Tập đoàn Asanzo.

Chiều 19.7, Tổng Cục hải quan đã tổ chức họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành hải quan.

Trao đổi về trường hợp của công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, phía hải quan đang phối hợp với quản lý thị trường và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với các dấu hiệu mà phương tiện thông tin đại chúng đã nêu về sản phẩm của Asanzo trong thời gian qua.

Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Thủ tướng và công khai trên các phương tiện đại chúng. 

Song ông Tuấn cũng thừa nhận những bất cập trong chính sách nhìn từ vụ Asanzo. Theo đó, quy định về nhãn mác trong Nghị định 43 đã có tuy nhiên đối chiếu với quy định về xuất xứ thì lại chỉ áp dụng với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, không áp dụng với hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước. 

Ông Tuấn cho rằng những trường hợp như của Asanzo hiện nay diễn ra nhiều. Do vậy, trong thời gian tới cần hoàn thiện chính sách để có cơ sở pháp lý điều chỉnh những trường hợp tương tự như của Asanzo.

"Đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng, trong đó thị trường Trung Quốc đang là thị trường cung cấp phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, không chỉ hàng gia dụng, hàng dệt may mà còn nhiều hàng hoá khác... Qua thống kê của hải quan nhận thấy, nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc chiếm tỉ trọng rất lớn", ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Trong môi trường toàn cầu hoá, không thể một nước nào sản xuất ra toàn bộ linh kiện để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mà phải nhập từ nhiều nguồn. Song ông Tuấn cho biết, để đáp ứng quy tắc xuất xứ theo các hiệp định thương mại tự do thì những công đoạn gia công cơ bản hoặc những nguyên tắc chuyển đổi cơ bản phải thực hiện tại nước cuối cùng sản xuất hàng hoá đó. 

Ông Tuấn cho biết, Bộ Tài Chính đang kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định tại Nghị định 43, Thông tư 05 để đưa ra các quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam lưu thông ở thị trường trong nước để có tiêu chí khi các cơ quan hải quan kiểm tra xác định hàng hoá này có thể gắn mác "Made in Vietnam" hay không. 

Cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Hải quan nhận được thông tin từ báo chí về 25 doanh nghiệp và 26 doanh nghiệp do Bộ Công an chuyển sang. Sau khi sàng lọc nhận thấy có sự trùng lắp giữa 2 danh sách nên con số này là 31 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều đơn vị sản xuất trong đó có Asanzo.

"Cục Kiểm tra sau thông quan đã ra quyết định kiểm tra 27 doanh nghiệp, có 3 doanh nghiệp không còn hoạt động, 1 doanh nghiệp đã bị khởi tố", đại diện đơn vị này thông tin. 

Hiện nay Cục Kiểm tra sau thông quan vẫn đang tiến hành rà soát, thu thập thông tin và phối hợp với các đơn vị liên quan. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao. Đến thời điểm này chưa có kết quả cuối cùng, dù một số công ty đã có kết quả sơ bộ.

Còn 56 doanh nghiệp đầu ra - đơn vị tiêu thụ hàng cho Asanzo, qua xác minh còn 16 doanh nghiệp đang hoạt động, số còn lại đã ngừng hoạt động. Quá trình xác minh, kiểm tra các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra, chưa có kết luận cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn