MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đấu thầu điện mặt trời: Tìm giải pháp để có giá bán điện thấp nhất

Thùy Dung LDO | 24/11/2019 16:34
Bộ Công Thương cho biết đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch điện mặt trời và bộ đang nghiên cứu các phương án đầu thầu dự án điện mặt trời để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. 

Sẽ đấu thầu các dự án điện mặt trời

Văn phòng Chính phủ mới đây đã thông báo kết luận cuộc họp của Thủ tướng về giá điện mặt trời áp dụng sau ngày 1.7.2019.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương cần phải tính toán cơ cấu các nguồn điện một cách khoa học và bài bản, phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin cho, tập trung xử lý các dự án đã và sắp hoàn thành nhưng không kịp đưa vào vận hành trước ngày 1.7.2019.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương khẳng định đã nghiên cứu, đề xuất và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này. Hiện nay, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đang hỗ trợ Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời.

Qua nghiên cứu sơ bộ của tư vấn, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng cơ chế khuyến khích giá bán điện cố định trong thời gian đầu, sau đó dần chuyển sang hình thức đấu thầu. Tư vấn quốc tế của WB là Baker Mackenzi và PwC đã hoàn thành 02 báo cáo về lộ trình thực hiện đấu thầu và cơ chế đấu thầu. Các nghiên cứu của WB đã được tư vấn trình bày báo cáo tại nhiều hội thảo thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà đầu tư, địa phương để tiếp tục hoàn thiện.

Về báo cáo cơ chế đấu thầu, WB đề xuất 02 hình thức thực hiện. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...

Bộ Công Thương đang nghiên cứu các đề xuất này xem có phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam không, có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định pháp lý không, khả năng áp dụng thực tế tại Việt Nam... để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Động lực mạnh cho đầu tư vào điện mặt trời

Trong kết luận của Thủ tướng mới đây nêu rõ, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời; Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém.

Theo Bộ Công thương, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (QHĐ VII điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18/3/2016 (Quyết định số 428/QĐ-TTg) đặt ra mục tiêu phát triển điện mặt trời ở mức 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030. Tại thời điểm lập và phê duyệt QHĐ VII điều chỉnh (năm 2016) chưa tính đến kịch bản phát triển bùng nổ điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2020 do Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành vào tháng 4.2017.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh thu hút các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện mặt trời bổ sung quy hoạch. Tính đến cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã nhận được các đề xuất bổ sung quy hoạch của Ủy ban nhân dân các tỉnh: tổng số 360 dự án điện mặt trời đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất khoảng 24.000 MW; đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn