MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đầu tư ra nước ngoài – cơ hội và thách thức?

T.Huyền LDO | 21/07/2018 09:00
Đã có nhiều  doanh nghiệp (DN) đi đầu, thành công khi đầu tư ra nước ngoài, ngược lại, cũng có một số DN thất bại khi mang chuông đi đánh xứ người...

Vậy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

                 
Xin chào ông Vũ Văn Chung! Thưa oông, thời gian qua, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực. Vậy, từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, ông có chia sẻ gì?

- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua tuy quy mô vốn có sự giảm so với giai đoạn 2007 – 2014 nhưng số lượng dự án có sự gia tăng cao với mức 47%.  Tính đến nay, Việt Nam đã có 1.373 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 75 quốc gia, với tổng số vốn đăng ký gần 22 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 39 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 155,6 triệu USD.

Vậy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chính doanh nghiệp cũng như thị trường trong nước, theo ông?

- Thời gian qua, rất nhiều DN của Việt Nam đã hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến ở nước ngoài có giá trị hàng tỷ Đô la và xây dựng được thương hiệu tốt, góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Ví dụ, Vinamilk đã có các cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ, New Zealand...; FPT, Viettel  đầu tư tại Nhật Bản và nhiều quốc gia trong khu vực...

Để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải pháp gì, thưa ông?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua đã nghiên cứu, rà soát, báo cáo Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất phương án thay đổi phương thức quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, theo đó, sẽ không cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN nữa, thay vào đó, việc quản lý Nhà nước sẽ thông qua các cơ quan quản lý chuyên ngành. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh theo hướng quy định rõ các điều kiện, tiêu chí để đầu tư ra nước ngoài…

Xin cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn