MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Định danh taxi công nghệ: Loay hoay và mù mờ

PV LDO | 18/10/2019 15:00

Sau cả chục lần chỉnh sửa dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, việc định danh thế nào là xe hợp đồng, thế nào là xe taxi và taxi công nghệ vẫn còn mù mờ. Điều này được nhận định là sẽ gây khó không chỉ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn cho chính các nhà quản lý.

Chỉ kết nối cũng bị "ép" thành kinh doanh vận tải

Dự thảo mới nhất của Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) (“Dự thảo”) đưa ra định nghĩa mới về kinh doanh vận tải là "việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.” (khoản 2 Điều 3). 

Dự thảo cũng đồng thời quy định đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử như sau: “Trường hợp đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo quy định của Nghị định này” (khoản 2 Điều 35).

Với định nghĩa như vậy, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối nói trên sẽ đều được coi là đơn vị kinh doanh vận tải và do đó, phải tuân thủ toàn bộ các điều kiện và quy định về kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê người lao động là lái xe... Các đơn vị này có thể lựa chọn kinh doanh taxi điện tử (với điều kiện tại Điều 6) hoặc kinh doanh xe hợp đồng điện tử (Điều 7, Điều 15, Điều 16).

Một hoạt động, 3 kiểu định danh, 3 bộ quản lý?

Bằng việc bị coi là đơn vị kinh doanh vận tải, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối vận tải, đặt xe trên thị trường như Grab, FastGo, Go-Viet, Bee có thể phải đứng giữa "3 dòng nước".

Với Bộ GTVT, họ là đơn vị kinh doanh vận tải, phải sở hữu xe, phải thuê lái xe. Với Bộ Công thương, họ là đơn vị cung ứng dịch vụ thương mại điện tử còn với Bộ Thông tin truyền thông họ là doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ.

Như vậy, cùng một dịch vụ, các công ty trên được định danh bằng 3 khái niệm khác nhau và phải tuân thủ các quy định khác nhau do 3 Bộ quản lý (chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác như công an, quản lý giá, thuế,...). Điều này gây nên sự chồng chéo nghiêm trọng, khó hiểu cũng như khó thực thi cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Nhận định về vấn đề này tại Tọa đàm “Đẩy mạnh Triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức gần đây, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng không thể coi các công ty sử dụng mô hình dịch vụ gọi xe điện tử (e-hailing) hoàn toàn là một dịch vụ vận tải. Các công ty kia chỉ phục vụ một phần trong chuỗi cung ứng, chứ không đáp ứng toàn bộ chuỗi giá trị đó. “Các ứng dụng ngoại như Uber, Grab, hay nội địa như Fastgo, Bee, MyGo hay VATO có thể hiểu là một khâu của dịch vụ vận tải cũng không có gì sai. Người ta có thể chọn một hay một số công đoạn của dịch vụ vận tải để đầu tư một cách chuyên nghiệp là quyền tự do kinh doanh của họ”.

Cùng quan điểm,  tại  Tọa đàm “Khung thể chế cho nền kinh tế số” do Viện Nhà nước và Pháp luật và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức, các nhà nghiên cứu cho rằng dịch vụ kết nối vận tải nên được coi là một công đoạn tách biệt khỏi hoạt động vận tải truyền thống và là một mô hình kinh doanh mới. Các đơn vị cung cấp nền tảng kết nối không thực hiện hoạt động lái xe để vận chuyển khách, vì hoạt động này được thực hiện bởi các đơn vị vận tải truyền thống, đã được cấp phép theo quy định về vận tải. Xét về lý luận pháp lý cũng như thực tiễn kinh doanh, không thể khẳng định sự tham gia của các đơn vị kết nối trung gian trong khâu đề xuất giá và kết nối cung cầu là việc quyết định giá cước và điều hành vận tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn