MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất thép tại một doanh nghiệp. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế

PHẠM DUNG LDO | 03/09/2019 13:01

Hôm nay (3.9), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Mục đích của cuộc vận động là khơi dậy trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp, doanh nhân là chủ lực trong phát triển kinh tế

Cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Trong thư Người viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Người về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - thời gian qua, các chủ trương chính sách của Đảng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

“Đảng ta chính thức có Nghị quyết riêng trong xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp Việt Nam cũng đã ghi yêu cầu khuyến khích tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Dưới tác động của chính sách đó, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những thành phần quan trọng trong công cuộc đổi mới suốt 30 năm qua” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành 3 Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Ông Phạm Xuân Cảnh - thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - khẳng định, doanh nghiệp đón nhận các nghị quyết của Đảng với tinh thần phấn khởi và coi đó là căn cứ quan trọng để tác nghiệp, vận dụng vào công việc của cấp ủy, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc.

“Nghị quyết 12 rất toàn diện, bao trùm và rõ ràng. Nếu nội hàm của Nghị quyết 12 được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ thì chắc chắn giải quyết tốt các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước. Đối với PVN, sau khi có Nghị quyết 12, việc đầu tiên chúng tôi tập trung làm trong 2 năm vừa qua và đạt được kết quả bước đầu là cơ cấu lại bộ máy điều hành của PVN. Trước đây có 23 ban đầu mối, sau cơ cấu lại còn 16 ban chức năng, cơ quan đầu mối giúp việc cho Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên và Ban giám đốc tập đoàn. Các ban sau khi được hợp nhất cũng được xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế vận hành theo cơ chế quản trị mới”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư: Cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong tuyên truyền, quán triệt đường lối của Đảng đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.Ảnh: P.V

Doanh nhân hiến kế, Đảng lắng nghe

Đánh giá về kết quả thực hiện của các Nghị quyết sau hơn 2 năm, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, các Nghị quyết đã bao trùm cũng như trực diện vào những vấn đề cốt lõi và sau hơn 2 năm thực hiện đã bước đầu đi vào cuộc sống và đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Hiện khu vực doanh nghiệp đang đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP, với 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng chính là những con số ấn tượng, khẳng định vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, đồng chí cũng nhấn mạnh, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức của mình và nâng cao được ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Mặt khác, thông qua cuộc vận động lần này, các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đối với xã hội và thông qua những hoạt động sản xuất kinh doanh hết sức năng động, sôi động thì đóng góp ý kiến của mình với Đảng, Nhà nước để qua đó Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn phát triển tới” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn