MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đơn vị kinh doanh trong ngành F&B phải đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt (ảnh minh hoạ). Ảnh: MAI LINH

Doanh nghiệp F&B chống chọi sóng ngầm

MINH ĐỨC LDO | 01/12/2023 18:56

Thị trường F&B đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn. do nhiều nguyên nhân từ thị trường đến sự thay đổi của người tiêu dùng. Thị trường chứng kiến không ít sự rời đi lặng lẽ của các thương hiệu của doanh nghiệp lớn, thậm chí cả những chuỗi F&B lâu đời ở những vị trí đắt giá.

Doanh số doanh nghiệp F&B sụt giảm

Năm 2023 nền kinh tế Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn, mô hình kinh doanh trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage) là loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống cũng đối diện khó khăn chồng chất. Ông Vũ Thanh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn - cho biết, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 18%, đạt 720.300 tỉ đồng. Thị trường F&B đầy tiềm năng được mong đợi sẽ quay trở lại, ghi dấu tốc độ tăng trưởng nhanh, với sức mua lớn và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Khủng hoảng kinh tế bao trùm toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, suy thoái kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút. Cùng với làn sóng sa thải của nhiều doanh nghiệp, thu nhập một bộ phận người lao động sụt giảm, phải lo "thắt lưng buộc bụng" khiến mức chi tiêu của khách hàng vào những sản phẩm ngành F&B hao hụt. Chi phí đầu vào tăng cao khiến các đơn vị kinh doanh trong ngành phải đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. Tất cả những khó khăn chồng chất khiến doanh số doanh nghiệp F&B sụt giảm" - ông Hùng cho hay.

Không nên trông chờ thị trường, phải chủ động thích ứng

Theo ông Ngô Nguyên Kha - CEO The Coffee House - cho rằng, trong tháng 10.2023, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, điều này cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm cho thấy tương lai 6 tháng tới đây, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp tồn kho cao, nhiều người lao động không có thu nhập hoặc sẽ giảm sâu. Về đầu tư, doanh nghiệp cũng chần chừ mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm mà muốn làm sao bảo toàn được vốn, cầm cự chờ thời.

"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dù nhu cầu vẫn không giảm nhiệt nhưng giới trẻ có xu hướng lựa chọn sản phẩm ở phân khúc giá rẻ hơn, hoặc giảm số tiền mỗi lần chi tiêu, tần suất ghé quán cũng giảm nhẹ theo thống kê, trung bình 2 lần/tuần xuống còn khoảng 1,8 lần/tuần. Khi khách hàng vẫn đang thắt chặt chi tiêu, họ chỉ quyết định mua khi thấy được giá trị sản phẩm thông qua việc so sánh số tiền bỏ ra với chất lượng sản phẩm. Khách hàng cũng tìm kiếm sự tiện lợi khi thực hiện mua hàng. Đặc biệt, họ là khách hàng thường xuyên của nhiều nền tảng giao hàng và tận dụng rất tốt các ưu đãi ở trên những nền tảng này" - ông Kha nói.

Ngoài ra, thị trường F&B 2023 chứng kiến sự đến và đi của hàng loạt xu hướng (trend) món ăn, đồ uống, có thể kể đến như trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt rồi cà phê muối, bánh đồng xu hay mới đây nhất là trà chanh giã tay. Tuy nhiên, điểm chung của các trend này đều là chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 3 tháng. Đồng thời, hầu hết những người tham gia trực tiếp vào các trend là nhóm cửa hàng, kiốt nhỏ lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình.

Giám đốc kinh doanh của một chuỗi cafe cho rằng doanh nghiệp F&B khi đứng giữa những luồng xu hướng đó phải xác định năng lực của mình có thể theo trend đến đâu. Nếu không theo được thì nên chấp nhận đứng ngoài. Việc triển khai một sản phẩm trend ngắn hạn cho chuỗi cửa hàng lớn là điều khó khăn, rất dễ vỡ trận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn