MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên gặp gỡ, kết nối tại hội nghị được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Thùy Trang

Doanh nghiệp miền Trung vẫn khó khăn, mong liên kết vùng để cùng giúp nhau

THÙY TRANG LDO | 11/04/2024 15:49

Mặc dù những thống kê cho thấy kinh tế cả nước đã có những dấu hiệu tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp miền Trung cho biết vẫn đang còn gặp khó khăn và mong muốn thúc đẩy liên kết vùng, cùng giúp nhau.

Dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ khó khăn trong 2 quý đầu năm 2024 và khởi sắc vào 6 tháng cuối năm.

Trao đổi tại Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên năm 2024 đã được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 10.4, bà Đặng Thị Dương – Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, thực tế, những doanh nghiệp tại địa phương vẫn đang gặp khó khăn, phát triển ì ạch. Nhiều doanh nghiệp đang phải tìm cách tồn tại, giữ chân nhân viên chờ ngày kinh tế khởi sắc.

bà Đặng Thị Dương – Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi về mong muốn liên kết doanh nghiệp khu vực. Ảnh: Thùy Trang

Giữa bối cảnh đó, bà Dương cho rằng các doanh nghiệp trong khu vực cần có phương án tự cứu mình, đó là liên kết, kết nối doanh nghiệp với nhau.

“Ví dụ như doanh nghiệp phân phối hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong khu vực. Hay đơn cử như việc đi du lịch, còn nhiều địa điểm trong miền Trung – Tây Nguyên mà khách chưa đến thì doanh nghiệp hãy đi du lịch, phát triển tour du lịch ngay trong khu vực để giúp các địa phương, điểm đến.

Chúng tôi ở Thừa Thiên Huế sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp với những sản phẩm độc đáo với giá thành ưu đãi từ khách sạn đến may mặc như áo dài” – bà Dương khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) quan tâm đến vấn đề kết nối các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên; tìm kiếm những nguồn vốn phi chính phủ, kết nối đại sứ quán các nước và những chương trình dành cho doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch.

“Sự kết nối này sẽ tạo nền tảng cho doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn sau những khủng hoảng do dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Doanh nghiệp trong khu vực cũng hiểu nhau hơn để có thể trao đổi, sử dụng sản phẩm của nhau trong bối cảnh hiện tại.

Những doanh nghiệp trong một hiệp hội sử dụng sản phẩm của các hội viên sẽ giúp thúc đẩy việc sản xuất, cung ứng, thậm chí là dẫn dắt nhau để có hướng xuất khẩu” – bà Dương trao đổi.

Có ý kiến tại hội nghị, ông Lê Minh Phúc – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng – cũng đề nghị VCCI làm đầu mối kết nối, thúc đẩy việc liên kết doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế nhanh hơn.

“Trong năm vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt một số luật quan trọng và đang đợi các nghị định, thông tư hướng dẫn được kỳ vọng sẽ giúp tạo đường thông thoáng, mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, cho các địa phương và doanh nghiệp.

Vậy thì khi các luật, nghị định ra đời, VCCI cần hỗ trợ hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ điểm mấu chốt, nhìn thấy được cơ hội cụ thể qua các hội thảo tái định vị, tái cấu trúc, định hướng lại các mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp… Đây là những điều doanh nghiệp chúng tôi rất quan tâm” – ông Phúc đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn