MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu khó vay, room tín dụng nhỏ giọt. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu khó vì thiếu hạn mức tín dụng

Anh Tuấn LDO | 17/02/2023 11:02

Để ổn định thị trường xăng dầu, một trong những giải pháp mà doanh nghiệp kiến nghị đó là các ngân hàng nới room tín dụng, phân bổ nguồn vốn vay để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có nguồn tài chính nhập hàng.

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu khó vay, room tín dụng nhỏ giọt

Hơn 1 năm qua khi thị trường xăng dầu khó khăn, có thời điểm mức chiết khấu cho cửa hàng xăng dầu giảm về 0 đồng/lít, trong khi các cây xăng phải trả nhiều chi phí quản lý, nhân công, đất đai, vận chuyển, bảo hiểm… Khó khăn áp lực chi phí chưa vơi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn gặp khó khăn trong việc vay vốn theo hạn mức được phân giao.

Ông Phạm Văn Thoại - Tổng Giám đốc Saigon Petro - cho hay, bản thân các đầu mối như Saigon Petro cũng chịu cảnh thua lỗ, nhất là nửa cuối năm ngoái. Trong 33 đầu mối trên thị trường, theo lãnh đạo Saigon Petro chỉ khoảng một nửa đủ năng lực và vốn nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn vừa qua. Số đơn vị nhập khẩu được phải chịu rủi ro lớn về giá (mua giá cao, bán giá thấp), lỗ chênh lệch tỉ giá. Có thời điểm, room tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất nhỏ giọt.

"Hiện nay, các đơn vị bán lẻ kêu khó khăn, chúng tôi rất chia sẻ, nhưng cũng phải hiểu cho đầu mối. Chúng tôi có lãi là chia liền, nhưng vừa qua cũng lỗ rất nặng, mà không dám nói. Chênh lệch tỉ giá hiện nay rất lớn và đầu mối phải gánh hết" - lãnh đạo Saigon Petro nói.

Báo cáo về tình trạng vốn vay, trao đổi với Lao Động, một vị lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Công Minh - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Bắc Giang - cho biết, hạn mức tín dụng của đơn vị này được cấp tại các ngân hàng thương mại đủ (điều kiện giải ngân) là 955 tỉ đồng. Với dư nợ hiện tại là 327 tỉ đồng, hạn mức còn lại chưa được giải ngân là 628 tỉ đồng.

Dù công ty này đang cần sử dụng hạn mức để nhập hàng lưu trữ phục vụ hệ thống phân phối, tuy nhiên các ngân hàng không có vốn để giải ngân cho họ. "Chúng tôi kiến nghị các ngân hàng thương mại, ngoài việc cấp đủ vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cũng cần cấp thêm hạn mức tín dụng để doanh nghiệp đầu mối nhập hàng theo lượng phân giao của Bộ Công Thương" - vị lãnh đạo cho hay.

Dòng vốn tín dụng sẽ được tăng thêm vào lĩnh vực xăng dầu

Liên quan đến vốn tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các ngân hàng thương mại sẽ chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, để phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức đã được phân giao.

"Theo Điều 7 Luật Tổ chức tín dụng, không có cá nhân tổ chức nào được can thiệp vào việc cho vay của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn hướng các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn vào lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là năng lượng, xăng dầu.

Thời gian qua sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát từng ngân hàng về hạn mức cấp tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trên cơ sở đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn vào các đầu mối kinh doanh xăng dầu" - ông Phạm Chí Quang cho biết.

Nhiều "đặc quyền đặc lợi" về room tín dụng đối với doanh nghiệp xăng dầu

Trao đổi với Lao Động, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho hay: Những doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu có hạn mức vay cao hơn bình thường, thế chấp lại ít hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp phân bón muốn vay ngân hàng sẽ phải thế chấp 100% tài sản mới được vay; còn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu, chỉ cần thế chấp 70% tài sản đã được ưu đãi vay rồi, còn lại 30% là tín chấp. Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu có thể vay đến 2.000 - 3.000 tỉ đồng" - vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn