MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do vẫn chưa có hãng bay vận tải chuyên biệt, các hãng hàng không Việt Nam vẫn chủ yếu vận chuyển hàng hóa trong bụng máy bay chở khách. Ảnh: H.K

Doanh nghiệp xin lập hãng bay vận tải, 3 tháng chưa có câu trả lời!

Nhóm phóng viên LDO | 25/06/2021 08:00

Thay vì xem xét hướng dẫn các bước cần thiết nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không theo quy định, vốn là một lĩnh vực kinh doanh được nhà nước khuyến khích, Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian qua lại liên tục có “thư đi thư lại” quanh việc xin ý kiến, nêu quan điểm quanh đề xuất xin lập hãng bay IPP Air Cargo và liệu ai có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (?).

Cục hỏi bộ, bộ nói cục phải có… quan điểm

Mọi chuyện bắt đầu vào đầu tháng 4.2021 khi Công ty Cổ phần IPP Air Cargo có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hoàn toàn không vận chuyển hành khách như các hãng hàng không hiện tại của Việt Nam.

Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch Đầu tư, IPP Air Cargo sau đó gửi tờ trình và đề án đến Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) với kỳ vọng hãng có thể đi vào hoạt đồng từ quý I/2022 sau khi được các bộ ngành cho phép.

Đến tháng 6.2021, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) sau khi nhận được công văn của doanh nghiệp nhanh chóng có văn bản xin ý kiến gửi Bộ GTVT. Trong văn bản gửi Bộ GTVT ngày 7.6.2021, Phó Cục trưởng Cục HKVN - ông Võ Huy Cường - xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.

Theo Cục HKVN, việc phải xin ý kiến Bộ GTVT là do căn cứ theo Luật Đầu tư số 61/2020, dự án thành lập IPP Air Cargo không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền. Song theo Nghị định 89/2019 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, IPP Air Cargo phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Một điểm “vướng” khác dẫn đến việc Cục KHVN phải xin ý kiến bộ chủ quản là vào tháng 5.2020, chính Bộ GTVT có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ GTVT về việc "thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi”, dự kiến là năm 2022.

Tuy nhiên những thắc mắc của Cục HKVN dường như không được giải đáp thỏa đáng bởi trong văn bản trả lời Cục HKVN mới đây nhất, Bộ GTVT lại yêu cầu Cục HKVN nghiên cứu và tham gia ý kiến để xác định dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về hàng không hay không(?). Chưa hết, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký cũng yêu cầu Cục HKVN với vai trò là nhà chức trách hàng không Việt Nam có quan điểm về việc thành lập thêm một hãng hàng không mới vận chuyển hàng hóa trong tình hình hiện nay.

Và trái ngược với tâm trạng sốt ruột xen lẫn kỳ vọng của doanh nghiệp về việc có thể sớm đưa hãng hàng không IPP Air Cargo vào hoạt động đầu năm 2022, cơ quan quản lý nhà nước hiện vẫn đang tiếp tục… xin ý kiến lẫn nhau.

Không cần thiết phải "ngăn sông, cấm chợ"

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trưởng bộ môn Quản trị Kinh doanh (Đại học GTVT) cho rằng, với những ngành nghề sản xuất kinh doanh mà nhà nước không cấm, doanh nghiệp đều có quyền đăng ký tham gia và các cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ phải ủng hộ, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Chưa kể việc doanh nghiệp đề nghị thành lập hãng bay vận tải hàng hoá chỉ là ngành kinh doanh có điều kiện chứ không phải không được phép. Dĩ nhiên, Nhà nước với vai trò quản lý và điều tiết sẽ có những khuyến cáo, định hướng đảm bảo cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển đồng thời hài hoà nền kinh tế.

Theo ông Thái, vận tải hàng không có số lượng không lớn nhưng ưu điểm nhanh rất phù hợp với những hàng hoá có giá trị cao và hàng hoá tươi sống cần thời gian vận chuyển nhanh. Chính vì vậy việc thành lập hãng bay vận tải hàng hóa là hoàn toàn phù hợp, cơ quan quản lý không cần thiết phải ngăn chặn hay hạn chế thành lập, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Việt Nam chưa có tuyến vận tải hàng hoá bằng đường hàng không riêng biệt.

Trong khi đó PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TPHCM) - cho hay, Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên về vận chuyển hàng hoá nên thị trường vận tải hàng hoá bằng đường hàng không tại Việt Nam đều đang do các hãng hàng không nước ngoài chiếm trên 80%, số còn lại do các hãng vận tải khách chở thêm hàng hoá. “Do đó, chúng ta đang thiếu các máy bay chuyên chở hàng hoá trong khi việc các tàu bay tháo ghế để chuyển hàng hoá chỉ là nhất thời, khi bình thường sẽ trở lại đúng chức năng của nó là vận tải hành khách. Do đó, cần thiết phải xây dựng hãng vận tải hàng hoá bằng đường hàng không. Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 đã tăng nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không, nhất là mặt hàng nông thổ sản” - ông Tống đánh giá.

Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không cũng cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để mở các hãng vận tải hàng hoá hàng không, nếu không mở sớm sẽ bị các hãng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường này. Chưa kể ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng, để mở một hãng hàng không mất rất nhiều thời gian chứ không phải “một sớm, một chiều” nên việc cấp phép cho hãng bay vận tải ở thời điểm hiện nay cũng không ảnh hướng tới hoạt động vận chuyển hàng hoá tạm thời của các hãng bay chở khách.

Thực tế cũng theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, hiện nay chúng ta vẫn chỉ nói đến các hãng hàng không chung chung với các điều kiện để mở hãng chở khách. Do đó, thời gian tới rất cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để trình Quốc hội điều chỉnh Luật Hàng không, nếu để trì hoãn sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

* Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, hiện Bộ GTVT chưa có chiến lược phát triển logistics tổng thể cả đường bộ, đường biển, đường thuỷ và đường hàng không do đó ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu những mặt hàng nông thổ sản tươi sống. Muốn đưa được những sản phẩm tươi, chất lượng đến với thị trường quốc tế cần phải đẩy mạnh logistics. Cụ thể, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có kết nối giữa đường thuỷ, đường bộ với sân bay Cần Thơ, chưa tạo được sự phát triển cho khu vực này đúng tầm của nó.

* PGS-TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng, vận tải hàng không có một thế mạnh lớn khi vận chuyển những hàng hoá có giá trị, đòi hỏi thời gian. Hiện vận tải hàng không dưới dạng đi kèm hành khách, dưới bụng máy bay nên quy mô không lớn. Trong lúc thời gian vừa qua thông qua vận tải bằng đường hàng không, nhiều mặt hàng nông thổ sản đã được vận chuyển đến các nước Châu Âu, Châu Mỹ mang lại thương hiệu và giá trị cao. Cụ thể như quả vải đã có mặt thị trường 27 quốc gia với giá bán tại các siêu thị của EU trên 500.000 đồng/kg, tạo hình ảnh rất tốt cho thương hiệu nông sản Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn