MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nhân, thế còn anh đang đọc cuốn gì?

Tuyền Linh LDO | 13/10/2019 13:02
Mấu chốt vấn đề đọc sách, tôi nghĩ, có lẽ là ở hai điểm sau: Tự mình cảm nhận niềm vui vô bờ khi bay lượn, ngụp lặn, neo bám, buông thả, ung dung, vướng víu; và cả niềm lạc thú khi nhận những đớn đau khôn nguôi - con tim như muốn vỡ bung giữa những con chữ; do những con chữ đem lại.

Và nữa, đó là sự thực hành đúng cách trong một môi trường đầy đủ “dưỡng khí” cần thiết sau khi tiếp nhận những con chữ.

Điểm thứ hai này, tôi nghĩ, có lẽ đúng, với doanh nhân, nếu họ chí chút đọc những cuốn sách với lời khuyên: Đây là những cuốn sách doanh nhân nên đọc!”

Tranh sơn dầu của Jordan Buschur.

1. Tôi inbox hỏi doanh nhân dạng “không vừa đâu”/ “vua biết mặt, chúa biết tên”: “Anh đọc sách gì”. Ông này tắp lự reply: “Không nói được đâu”. “Sợ lộ bí mật như sợ lộ bí mật kinh doanh?” “Không phải, anh chỉ đọc cô giáo Thảo, Doraemon. Hihi”.

A, Doraemon thì tôi biết. Chú mèo máy đến từ tương lai của Fujiko Fujio (bút danh của hai họa sĩ: Fujimoto Hiroshi và Abiko Moto). Năm nay tròn 50 năm tập truyện đầu tiên ra mắt. Người ta thường nhớ suốt đời cuốn sách đầu tiên mình đọc.

Tôi không ngạc nhiên nếu ông doanh nhân này mê đọc Doraemon. Mèo máy xanh từ Nhật Bản tới Việt Nam ngót 30 năm nay. Cả một thế hệ, ít gì. Doraemon, tất nhiên, không sỗ sàng dạy người ta muốn làm giàu/thành công trong kinh doanh thì phải thế này thế kia; các câu chuyện của Doraemon ngắn gọn, dễ hiểu, dí dỏm, lạc quan về cuộc sống tương lai; nhất là mỗi bảo bối mang một cái nhìn tích cực về khoa học - kỹ thuật trong tương lai - hẳn không vô ích với hàng triệu người đọc. Nhất là cho trí tưởng tượng. Thành danh doanh nhân thì cũng cần trí tưởng tượng, chứ không là tưởng bở.

2. Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, năm nay tuổi 40, sáng lập viên, diễn giả truyền cảm hứng InterCharm, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, năm 2018 nhận bằng khen của UBND TPHCM vì những đóng góp cho thành phố. Cuối tháng 3 rồi, tôi gặp và trò chuyện với Đăng. Hết buổi, Đăng tặng tôi cuốn sách “Tâm từ” của Ajhn Brahm - một sư thầy người Anh có câu nói - tôi lộ cộ dịch ra tiếng Việt cho mình hiểu: “Đừng vô tâm; Hãy từ tâm”.

Doanh nhân xông ra, lăn lộn thương trường bán mua/mua bán hà cớ chi đọc sách của một sư thầy về lòng trắc ẩn với slogan “Khi ta thương người tất người thương ta”? Một doanh nhân được cho là thành đạt cũng có thể là một người từ tâm. Nhưng một người từ tâm chưa chắc trở thành doanh nhân thành đạt, nhỉ? Tôi định bụng rồi sẽ hỏi Đăng như vậy.

Ngoại tôi, một người đàn bà Tây Sơn Bình Định quanh năm chít khăn, khóe mép ngậm lệch điếu thuốc lá sâu kèn bé bằng ngón út do chính ngoại vê cuốn, nói với tụi tôi, tôi nhớ nhất ba câu, một: “Vô sư vô sách; quỷ thần bất trách”. Sách ở đây, (trực diện) không là cuốn sách quyển vở; nôm na thô sơ ý chung nhất tôi hiểu ngoại nói, không tin từ tướng số, bói toán cho đến ma quỷ, thần, Phật, thánh…

Hai: “Phi thương bất phú”. Câu này nghe chừng dễ hiểu đây: “Không buôn bán khó giàu”. Mãi sau này, thao tác tra mạng, tôi mới biết, “hóa ra 4 chữ này nằm trong 2 câu được các nhà buôn Trung Hoa tuân thủ tuyệt đối:

"Quan phi Thương bất phú

Thương phi Quan bất an"

Thương ở đây là thương nhân, với nghĩa là quan muốn làm giàu phải chơi với thương nhân. Thương nhân muốn làm ăn yên ổn thì phải chơi với quan. Không biết có chuẩn không, nhưng nghe hợp lý và đúng quy luật làm ăn hơn hẳn…

Ba: “Đa thương đa trá”. Ngoại cắt nghĩa, hồi đó, thô sơ: Buôn nhiều (thì phải) dối nhiều. Tôi cũng hiểu thô sơ là vậy. Rồi thường khi quay về nỗi băn khoăn: Một doanh nhân, khi “tác nghiệp”, nếu cứ tâm từ/ từ tâm (tạm phiên ngang là nếu không dối trá, ma lanh, tham lam, cố tình ngu ngốc tàn hại môi trường…) thì liệu có thu lợi về cho mình được hay không?

Tôi chưa kịp hỏi ngoại câu hỏi đấy. Ngoại tôi, một người chưa học chưa hết trường làng, gia cảnh chẳng phải thuộc diện thương nhân, trong kinh nghiệm sống của mình cất những điều đơn sơ như vậy từ dân gian.

Tranh của Jordan Buschur.

3. Khi có việc cần phỏng vấn, gặp ông Lý Ngọc Minh tôi đều thấy vui. Gần như lần nào, ông Minh cũng nhắc chuyện mình là con nhà nghèo xứ Bình Dương, thất học từ nhỏ, mấy chục năm có được thành tựu trong lĩnh vực gốm sứ như hôm nay cũng là nhờ sách. Hai tác giả ảnh hưởng nhất tới việc đọc và làm người của ông là Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần.

Tôi không bao giờ hỏi ông Minh, anh có hay đọc sách dạy làm giàu, bí quyết thành công… Tôi thích nhìn những tập vựng tranh ảnh nghệ thuât, mỹ thuật, kiến trúc… chất đầy trên giá sách phòng làm việc của ông.

Vui nhất sau phần hỏi - đáp chính yếu là phần nghe ông Minh nói (hay là ngầm chỉ bảo cho tôi) về  một vài cuốn sách nghệ thuật ông đã đọc.

Ông Minh đi nhiều, đọc nhiều, gặp gỡ, hỏi chuyện cũng nhiều… Nhưng tôi nghĩ, quan trọng hơn, ông cũng là một trong số người biết chắt lọc những tri thức nhận được từ sách và đời. Ông khiêm tốn: “Từ văn hóa truyền thống, tui lấy ra các nét, rồi chỉ việc sắp xếp lại bố cục, tỉa tót lại cho đẹp hơn mà thôi”.

4. Doanh nhân Việt thường đọc sách gì? Sách/sách nào có tác dụng ra sao tới công việc hiện tại của anh/chị. Doanh nhân có nên khuyên doanh nhân đọc sách này sách nọ hay không? Thật khó, tôi nghĩ, công phu làm một cái điều tra để nhận được kết quả trung thực, chính xác về việc này, nếu quả như muốn đo “mức/ tầm tri não doanh nhân Việt” dưới một góc độ là đọc sách, sự hứng thú với chữ nghĩa.

Gần ba chục năm qua, dạng sách dạy làm giàu, bí quyết thành công… ấn hành nhiều “vô thiên lủng” ở nước mình. Hoa cả mắt khi ra nhà sách với khu vực sách bán theo chủ đề đấy. Truyền thông báo chí, thì lâu lâu, theo vụ mùa lại tung ra danh sách dạng “sách hay dành cho doanh nhân thành đạt nên đọc”, “sách hay cần đọc về doanh nhân nổi tiếng thế giới”… Nhà sách này giới thiệu 9 cuốn, nhà sách kia giới thiệu 15, 24 cuốn…

Nhìn mẫu số chung các danh sách, bao giờ cũng thấy có những cái tên kinh điển là những  người thành đạt trong kinh doanh của Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Israel…

Doanh nhân Việt cũng có người ra sách. Nhiều chứ không ít. Gần nhất, như tôi thấy, khôi hài một cách nguy hiểm nhất chính là cuốn sách của CEO Nguyễn Thái Luyện dạy nhân viên của mình những chiêu thức mượn tiền người thân quen để đầu tư vào công ty bất động sản Alibaba.

Vì đấy, mà một nỗi nghi ngờ khởi lên: Lựa đọc sách dạy làm giàu, bí quyết thành công như thế nào, do ai ấn hành thì bảo đảm để có thể nhận được nguồn cảm hứng làm giàu trung thực, hiệu quả nhất - nghĩa là làm việc có lợi cho mình mà không hại người.

Cả nước, theo thống kê hiện có 700.000 doanh nghiệp, theo  kế hoạch, năm 2020 con số này những 1 triệu. Số doanh nhân, có thể theo đó cũng sẽ tăng theo. Thô sơ nghĩ, như vậy, thị trường mảng sách cho doanh nhân dạng thức dạy làm giàu có thể càng thêm màu mỡ.

Tôi thì chủ quan nghĩ là không. Mảng sách này đã bão hòa.

Đọc sách, suy cho cùng, cũng là việc/nhu cầu tự thân của mỗi người. Hà cớ gì doanh nhân thì cứ nhất thiết phải đọc sách dạy làm giàu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn