MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ lá sen, hoa sen sấy khô. Ảnh: NVCC

Giấc mơ đưa sen từ đồng ruộng ra thế giới và mong ước nâng tầm nông sản Việt

HƯƠNG NGUYỄN (thực hiện) LDO | 19/10/2023 10:08

Nhận thấy tiềm năng của hoa sen, lá sen ứng dụng trong ẩm thực, nội thất, thời trang, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông Ngô Chí Công - giám đốc một công ty thủ công mỹ nghệ về sen Việt Nam mong muốn đưa các sản phẩm về sen ra thế giới. Ông Công mời các đầu bếp Pháp đạt sao Michelin về Đồng Tháp thưởng thức các món ăn chế biến từ sen. Ông hy vọng các đầu bếp sau khi về Pháp sẽ có cảm hứng để sáng tạo ra các món ăn theo phong cách fine dining - bữa tại nhà hàng cao cấp, hướng tới trải nghiệm ẩm thực tinh tế, sang trọng với các món chất lượng từ sen đến gần hơn với bàn ăn thế giới.

"Sen từ đồng ruộng đã lên phố, tôi mong sen len lỏi được vào cuộc sống và ra thế giới"

Vì sao một du học sinh Pháp như ông quyết định về nước khởi nghiệp với hoa sen và quyết tâm đưa sen vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như ví, nón lá, tranh...?

- Tôi luôn mong đem những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng thanh khiết của sen - quốc hoa Việt Nam vào các sản phẩm đậm nét văn hóa Việt. Nhờ công nghệ, tôi có thể biến hoa sen, lá sen thành chất liệu đặc biệt ứng dụng trong nội thất, thời trang, các sản phẩm thân thiện với môi trường như nón lá sen, sổ tay, tranh 3D... Ở mảng nội thất có sản phẩm chao đèn, bình phong, hoạ tiết decor khay sơn mài lá sen… Ở mảng thời trang có túi lá sen kết hợp mây tre. Tôi kỳ vọng phát triển sản phẩm này vừa giúp ích cho người dân, giúp bảo vệ môi trường và mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Mỗi sản phẩm là mỗi câu chuyện mang thông điệp, giá trị xanh và giá trị Việt.

Ông dùng công nghệ gì kéo dài tuổi thọ cho sen?

- Chúng tôi có công thức và quy trình sấy khô riêng. Hoa sen sau khi được xử lý và sấy khô vẫn giữ nguyên được hình sáng cánh hoa, độ căng mịn và độ mềm mại của sen, có thể sử dụng được thời gian trung bình từ 3 - 6 tháng trong điều kiện tốt mà không cần chăm sóc, tưới nước. Mỗi bông sen, lá sen đều là 1 tác phẩm nghệ thuật độc nhất, kể cả khi chiếc lá đó có bị sâu thì vẫn có thể đưa vào các sản phẩm như túi, ví, tranh...

Đưa sen Việt Nam tiệm cận đến bàn ăn thế giới, nâng tầm nông sản Việt

Ông từng nói mong ước đưa món ăn sen ra lên bàn ăn thế giới, vậy thời gian qua, ông đã làm thế nào?

- Tôi đã mời các đầu bếp đạt sao Michelin hàng đầu của Pháp đến Đồng Tháp để trải nghiệm món ăn từ sen. Tôi hy vọng các đầu bếp sau khi về Pháp có cảm hứng sáng tạo các món ăn phong cách fine dining - bữa tại nhà hàng cao cấp, ẩm thực tinh tế chế biến từ sen. Đây là một trong các hoạt động để đưa sen Việt Nam tiệm cận đến bàn ăn thế giới. Chỉ cần một đầu bếp sáng tạo món mới từ sen, trong giới đầu bếp cao cấp sẽ truyền tai nhau về nguồn nguyên liệu mới, nâng tầm nông sản Việt ra thế giới.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu về sen, ông gặp phải những khó khăn gì?

- Một trong những yếu điểm của sản phẩm Việt Nam là thiết kế chưa tiệm cận với nhu cầu thế giới. Chúng tôi cố gắng thiết kế ra các sản phẩm độc đáo, có câu chuyện riêng, làm mới cho các sản phẩm thủ công Việt Nam.

Khó khăn nữa là tâm lý khách hàng Việt mong sản phẩm sen sấy khô mãi mãi không hư tổn. Tuy nhiên, đây là lá sen thật sấy khô chứ không phải chất liệu nhựa nên có thời hạn sử dụng nhất định.

Phát triển hệ sinh thái sen, hướng tới Net Zero

Kế hoạch sắp tới của ông là gì để tiếp tục quảng bá hình ảnh quốc hoa Việt Nam ra thế giới, thưa ông?

- Hiện ở Việt Nam các doanh nghiệp chỉ khai thác bề ngoài của sen, tương lai, tôi muốn khai thác sâu các giá trị tinh chất của sen. Tôi mong muốn tạo nên hệ sinh thái sen, nơi các doanh nghiệp chế biến sản phẩm sen phối hợp để tạo thành chuỗi sản phẩm tuần hoàn sen, nâng tầm sản phẩm, góp phần vào thực hiện mục tiêu hướng tới Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ. Chỉ có như vậy mới tăng giá trị sản phẩm và hướng tới mục tiêu xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn