MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp cho ngành công nghiệp ôtô đầy tiềm năng bứt phá

Phạm Dung LDO | 25/09/2019 14:44

9h sáng ngày mai (26.9), Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Công nghiệp hỗ trợ tạo đà bật cho ngành ôtô”. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ôtô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô... Ngành công nghiệp ôtô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang rất tiềm năng với tham vọng sẽ đạt quy mô 500.000 xe vào năm 2020 và 1 triệu xe vào năm 2030. Doanh thu dự kiến 12 tỉ đô la/năm.

Nhằm phát triển ngành công nghiệp ôtô, thời gian qua, Chính Phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô, với mục đích tăng tỉ lệ nội địa hoá ôtô. Các doanh nghiệp trong nước được tạo điều kiện với nhiều chính sách ưu đãi để phát triển. 

Tại báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành ôtô trong nước. Với thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương muốn được điều chỉnh theo nguyên tắc thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do. Chưa hết, Bộ Công Thương còn đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô.

Dù được tạo nhiều điều kiện, song công nghiệp ôtô của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo bộ Công Thương, tỷ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Đặc biệt từ năm 2018, các xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng ASEAN sẽ được ưu đãi thuế quan nhập khẩu 0% theo Hiệp định FTA của ASEAN. Tỉ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỉ trọng lớn do có lợi thế về ưu đãi thuế quan.

Các chuyên gia xác định, nếu không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ cho ôtô thì rất khó để chúng ta nâng được tỉ lệ nội địa hoá và cạnh tranh được với các thương hiệu xe ngoại trên thế giới.

Với mong muốn có những trao đổi thẳng thắn xung quanh những vấn đề liên quan đến chính sách cũng như điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ ôtô, báo Lao Động tổ chức chương trình toạ đàm trực tuyến "Công nghiệp hỗ trợ tạo đà bật cho ngành ô tô".

Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ôtô và các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước.

Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Mọi câu hỏi cho khách mời, bạn đọc vui lòng gửi về địa chỉ email: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn