MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vấn đề lớn nhất của các DNNVV là không có BĐS hay máy móc để thế chấp cho ngân hàng khi vay vốn. Ảnh: PV

Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

H.M LDO | 03/05/2018 14:00

“Ngay cả những điểm được coi là lợi thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà trước hết là chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ... thì cũng không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế vô cùng quyết liệt.” - TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội - cho biết. Vậy, làm thế nào để gỡ khó cho DNNVV tiếp cận tín dụng?

Vì sao DN nhỏ mãi chẳng lớn?

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội - cho biết, DNNVV của Hà Nội chiếm 97,2 % tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, là khu vực doanh nghiệp này có vai trò rất quan trọng, đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho 50,1% lao động.

Hiện nay, các DNNVV rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật. Điều này khiến cho khối DNNVV chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh không cao.

Theo ông Quốc Anh, trên thực tế, không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo đủ 100% vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vốn tín dụng của ngân hàng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị cải tiến phương thức kinh doanh. Từ đó góp phần thúc đẩy tạo điều kiện cho quá trình phát triển sản xuất kinh doanh được liên tục.

Khi sử dụng vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp phải đảm bảo hoàn trả cả gốc lẫn lãi đúng hạn và tôn trọng các điều khoản của hợp đồng, cho dù doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hay không. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách sử dụng vốn có hiệu quả, tăng nhanh chóng vòng quay vốn, đảm bảo tỉ suất lợi nhuận phải lớn hơn lãi suất ngân hàng thì mới trả được nợ và kinh doanh có lãi.

Ông Quốc Anh cho rằng, cạnh tranh là một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt đối với các DNNVV, do có một số hạn chế nhất định, việc chiếm lĩnh ưu thế trong cạnh tranh trước các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài là một vấn đề rất khó khăn.

6 rào cản tiếp cận tín dụng

Mặc dù việc tiếp cận tín dụng hiện nay đã dễ dàng hơn, song ông Mạc Quốc Anh đã chỉ ra 6 rào cản đối với các DNNVV.

Mặc dù các ngân hàng cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các DNNVV. Mặc dù vậy, khả năng hấp thụ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng chưa được cao. Điều tra của Hiệp hội cho thấy, có 59% DNNVV bị các ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần.

“Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện và khả năng kinh doanh còn yếu kém. Các DNNVV vẫn còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật,”- ông Quốc Anh cho biết.

Thứ nhất, nguồn ngân sách nhà nước hiện nay còn rất hạn chế. Một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy như công tác đào tạo, thị trường, giới thiệu về sản phẩm khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại chưa được phát huy một cách tối đa.

Thứ hai, thông tin, tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV còn hạn chế, chưa được minh bạch hóa.

Thứ ba, việc vay vốn của DNNVV dễ dẫn đến nợ xấu vì tài sản đảm bảo chưa thuyết phục. Do đó, DNNVV khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thứ tư, DNNVV chưa quan tâm đến đào tạo, tư vấn, thông tin từ các chương trình mà chủ yếu qua thông tin không chính thức, nên việc cập nhật chính sách còn hạn chế, dễ bị tác động bởi sự biến động môi trường.

Thứ năm, trình độ quản lý của các DNNVV còn yếu kém, công nghệ lạc hậu, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế. Nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi. Đặc biệt, DNNVV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, các gói tín dụng của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội…

Thứ sáu, một số tổ chức tín dụng chưa mặn mà với các khách hàng DNNVV, do quy mô, hiệu quả tín dụng không cao, thời gian thẩm định lâu hơn, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao.

Dưới góc độ của hiệp hội, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, để phá vỡ những rào cản và nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

“Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; đồng thời chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV cũng như các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỉ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay,” - ông Quốc Anh đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn