MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: ELENA ZUBTSOVA và MINH HẠNH cung cấp.

Áo dài mình tới Nhật, áo dài mình qua Nga

Lâm Tuyền LDO | 10/02/2019 14:31
Cả thế giới tới giờ, chỉ mỗi Châu Phi là Minh Hạnh chưa mang áo dài sang trình diễn. Có những quốc gia, chị “khoe” vẻ đẹp áo dài Việt tới mấy lần! Nhưng khi chị diễn thuyết về trang phục quốc hồn quốc túy - một ngày ở Fukuoka (NhậtBản, 8.11.2018 qua lời mời của UNESCO Nhật Bản), một ngày ở Mátxcơva (Trường Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ quốc gia Moskva - MGLU, Nga, 16.11.2018) - thì đó là lần đầu tiên áo dài Việt xuất hiện ở góc độ hàn lâm, sâu sắc hơn.

1. Minh Hạnh vừa từ Mỹ về. (ôi sao nàng đi khỏe thế, trong một tháng - tháng 11- tháng 12, phiêu lưu qua những ba châu lục) Tôi chỉ nhăm nhăm định hỏi một câu duy nhất: Hạnh nói gì khi Hạnh nói về áo dài?

Nhưng tôi được… sốc rồi cảm động khi trước tiên, chị cho tôi xem, kể tôi nghe câu chuyện, ở Fukuoka, vợ chồng Giáo sư Furihara Keizo mời chị về nhà, tặng “dứt điểm” 20 chiếc Kimono hết sức thanh lịch, quý giá có tuổi đời hơn 100 năm - của gia bảo truyền lại từ gia đình bà nội vợ ông giáo sư -  hậu duệ một samurai. Họ nói, họ yên tâm, vui sướng giao cho Hạnh. Những chiếc Kimono ấy có giá trị hơn, có hiệu quả cho đời sống hôm nay hơn khi Hạnh dỡ ra, lấy vải, may thành áo dài Việt! “Chất liệu từ chiếc Kimono hơn 100 năm tuổi đặt  trong vóc dáng áo dài, có nghĩa, việc bảo tồn văn hóa truyền thống chỉ giá trị hơn khi đi vào  đời sống, trở thành một sản phẩm tiêu dùng. Và như vậy, một lần nữa ta thấy, áo dài Việt có sự đồng cảm, thích nghi cao độ với nhiều nền văn hóa”,  Hạnh mỉm cười.

Ảnh: ELENA ZUBTSOVA và MINH HẠNH cung cấp.

2. Nhật Bản, Nga cũng là hai quốc gia có nền văn hóa lớn. Tôi cứ nghĩ, ngắm áo dài, nghe giới thiệu về áo dài, người Nhật, người Nga thể nào chẳng “ơ, áo dài Việt nhẹ nhàng, nền nã mà nồng nàn, đơn giản, dễ mặc, mà sao mang nhiều ý nghĩa, sâu sắc vậy, đậm giá trị tâm hồn Việt vậy!”. 

Minh Hạnh kể: “Trước hết, mình nói về sự phát triển của áo dài từ quá khứ đến hiện tại; trong 2 thế kỷ 19, 20 và bây giờ 21, áo dài luôn luôn tồn tại với đời sống của người Việt, luôn luôn được biến đổi, thay đổi với nhu cầu đời sống hiện tại, trở thành một sản phẩm tiêu dùng với sản  lượng quá lớn, tính riêng thị trường nội địa hiện nay… 

Đến một đất nước nào đó, quan trọng là có sự đồng cảm, chia sẻ về văn hóa. Mang áo dài ra nước ngoài, điều chỉnh cho thích nghi văn hóa, hình thể cá nhân, thời tiết vùng miền quốc gia  - điểm này thể hiện bản lĩnh của nhà thiết kế. Anh muốn chinh phục thị trường nào anh phải hiểu rõ bản chất của thị trường đó. Anh muốn người ta mặc áo dài, anh phải làm sao để người ta thấy có người ta trong đó - thể hiện bản lĩnh NTK. Bản lĩnh một con người làm người khác phải tôn trọng thì ở một NTK cũng vậy thôi - bản lĩnh sáng tạo. Dĩ nhiên, quyết định thành công của NTK vẫn phải luôn là tính  thời đại cao!”.

 
 
 
 
 
Ảnh: ELENA ZUBTSOVA và MINH HẠNH cung cấp.

3. Qua sự kết nối của chị Elena Zubtsova - Phó giáo sư Tổ bộ môn Ngôn ngữ Phương Đông - MGLU, ngày 16.11, sinh viên theo học ngành Việt Nam học tại Mátxcơva có một giờ học đặc biệt về văn hóa, lịch sử Việt Nam qua buổi thuyết trình về áo dài - quốc phục đất nước họ chọn gắn bó.

Giữa tháng 6.2019, Minh Hạnh sẽ có hai buổi trình diễn áo dài Việt, một tại Bảo tàng quốc gia Phương Đông Mátxcơva kỷ niệm 100 năm thành lập bảo tàng  và  một trong cộng đồng người Việt tại Nga.

Minh Hạnh hoan hỉ “Người mẫu đa số sẽ là người Nga, có cả người mẫu Việt. 5 ngày ở Mátxcơva, đi ra ngoài đường, thấy ai cũng có thể là người mẫu tiềm năng cho bộ sưu tập của mình! Con gái Nga quá xinh đi. Chỉ cần casting mấy em sinh viên trong trường thôi là ngời ngời, như hoa hậu đấy. 

Về giao thoa văn hóa Nga - Việt trong bộ sưu tập mới:  Về mặt thủ pháp tôi dùng kỹ thuật thêu cung đình Huế, chất liệu sang trọng, đễ diễn đạt văn hóa cung đình Nga - văn hóa Sa hoàng. Hình ảnh Nga đặt trong  chiếc áo dài làm sao để người ta thấy rất Nga mà cũng rất Việt. Rất Sa hoàng mà cũng rất cung đình Huế. Tôi hy vọng, bộ sưu tập, buổi trình diễn áo dài sắp tới như bước đầu nỗ lực góp phần lấp dần khoảng trống giao lưu văn hóa giữa hai nước bị đứt đoạn hơn hai chục năm qua”. 

“Từ  kinh nghiệm làm nghề của mình, tôi có thể khẳng định, khó có một chiếc áo truyền thống của dân tộc  nào trên thế giới có tính thích nghi, giao diện rộng như  áo dài Việt Nam; giao diện rộng lớn, thì rõ ràng sức lan tỏa lớn, dễ dàng. Cái để người ta ứng dụng được trong đời sống chính là đặc thù của áo dài - dễ thích nghi nhưng vẫn giữ được đúng bản chất của mình”. (Nhà thiết kế Minh Hạnh)

“Trong lịch sử hình thành, phát triển qua những thời điểm quan trọng nhất, áo dài có những cuộc cải biên thành công và  không thành công; nhưng giá trị cao nhất của áo dài là luôn  luôn đi được cùng với sự biển đổi của thời đại.  Áo dài Việt còn mang giá trị hòa bình, qua biết bao năm tháng ở một đất nước trải nhiều cuộc chiến tranh, dâu bể, áo dài gắn liền  với hình ảnh của sự đoàn kết: Khi người ta mặc áo dài, người ta đi đâu đó, ở đâu đó, người ta nhận ra nhau, tự nhiên  có một sợi dây nào đó cực kỳ gần gũi gắn kết họ lại thân thiết, dễ nói chuyện với nhau hơn. Áo dài, ngoài ý nghĩa nhân văn, còn có  ý nghĩa đoàn kết, hòa bình”. (Nhà thiết kế Minh Hạnh)


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn