MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán môi trường: Hướng tới mục tiêu kinh tế tăng trưởng, rác thải về 0

Thuỳ Dung LDO | 19/09/2019 12:41
Các chuyên gia chỉ ra rằng, quá trình phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Phát biểu tại Hội thảo "Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của kiểm toán nhà nước" sáng ngày 19.9, GS TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, mang ý nghĩa sống còn của nhân loại. 

Song sự tăng trưởng kinh tế đang đi kèm với sức ép lên tài nguyên, thiên nhiên và môi trường. 

Hàng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100 nghìn tấn hoá chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh trên 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Mỗi năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường. 

TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền lý luận, báo Nhân dân chỉ ra kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, quá trình phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Bên cạnh đó, nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ mang tính chất trình diễn khi có các đoàn kiểm tra. Còn lại, những hệ thống này hoạt động xả thải hết công suất, gây hệ luỵ cho môi trường. 

PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng quan điểm cho rằng, tăng trưởng kinh tế đi kèm tăng rác thải. 

TS Chinh cho rằng, Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới như Đức để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Rác thải giờ đây không chỉ đơn thuần là thứ bỏ đi mà phải là đầu vào của ngành sản xuất khác.

Để làm được điều này, theo TS Chinh, Kiểm toán Nhà nước thời gian tới phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong kiểm toán môi trường. Kiểm toán cần thông kê cụ thể số lượng rác thải mỗi ngày, những loại rác thải... để chúng ta có phương án đầu tư công nghệ, hướng tới mục tiêu "kinh tế tăng trưởng, rác thải về số 0". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn