MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

MISA nói về việc bị dừng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số

Thiên Bình LDO | 26/05/2020 16:28

Liên quan đến việc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đề nghị Công ty cổ phần MISA dừng cung cấp dịch vụ chữ ký số, MISA cho biết đã hoàn tất việc nộp hồ sơ kỹ thuật theo hướng dẫn.

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) vừa đề nghị Công ty cổ phần MISA (MISA) dừng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (MISA-CA) theo mô hình ký số từ xa (dịch vụ eSign ký số trên di động và ký số từ xa) cho đến khi hệ thống kỹ thuật của doanh nghiệp đáp ứng các quy định.

Theo Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (tiền kiểm) theo quy định của Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Liên quan đến việc này, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA cho biết, ngày 7.5.2020, NEAC ban hành công văn số 190/NEAC-TĐPC về việc hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa. Ngay sau đó ngày 12.5.2020, MISA đã hoàn tất việc nộp hồ sơ kỹ thuật theo hướng dẫn. Hiện nay, MISA đang làm việc với NEAC để đề xuất nhanh chóng thẩm định hồ sơ nhằm đáp ứng mọi yêu cầu theo quy định.

MISA cho hay, do là một trong những đơn vị đầu trong cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa nên khó tránh khỏi một số sơ suất về vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, đơn vị này cam kết sẽ hoàn thiện giải pháp MISA ESIGN nhanh chóng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Trước đó, MISA được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (MISA-CA) đã cung cấp 2.583 chứng thư số theo mô hình chữ ký số từ xa.

Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng là một phần quan trọng nằm trong bài toán lớn về xây dựng chính phủ điện tử. Để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Tại Hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, việc sử dụng chữ ký số vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải xử lý, tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về thủ tục hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử không hẳn là công tác áp dụng công nghệ thông tin, mà phải thực hiện các biện pháp để quy trình thủ tục hành chính được đơn giản, gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính.



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn