MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông viết tiếp phần đời cho hoa sen. Ảnh: NVCC

Người đàn ông viết tiếp phần đời cho hoa sen

Tuyết Lan (thực hiện) LDO | 19/10/2023 10:30

Tận dụng đài hoa sen tại các làng nghề bị người dân bỏ đi, sau 5 năm mày mò, ông Kiều Cao Dũng đã thành công trên hành trình làm giấy từ hoa sen. Ông Dũng đam mê trong việc dùng giấy sen tạo thành các sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm bản sắc Việt để gia tăng giá trị của hoa sen. Trò chuyện với PV Báo Lao Động, ông Kiều Cao Dũng cho biết: “Hơn 5 năm “ăn nằm” với đài sen, nhiều người nói tôi là người không bình thường, nhưng tôi không nản chí. Tôi muốn tạo ra chất liệu giấy mang đậm văn hóa Việt Nam và viết tiếp phần đời cho hoa sen trong hình hài mới”.

Từ đâu mà ông ý tưởng làm giấy từ chất liệu hoa sen?

- Trong lần về Hà Nam, tôi thấy người dân dùng đài sen chỉ để lấy hạt rồi đổ đi hàng tấn đài sen. Tôi nhận thấy trong đài sen có chất xơ phù hợp để làm giấy. Ở Việt Nam và thế giới, ngành công nghiệp làm giấy không còn xa lạ. Tuy nhiên, nguyên liệu làm giấy chủ yếu là những cây thân gỗ, chưa ai làm giấy từ hoa sen. Tôi muốn mình sẽ là người đầu tiên tạo ra một chất liệu giấy hoàn toàn khác để phân biệt nền văn hóa Việt Nam với các nước khác ở quốc tế. Từ đó, tôi đã có một ý tưởng táo bạo là viết tiếp phần đời cho hoa sen, hoá thân thành một hình hài mới trong những sản phẩm độc đáo.

Trong 5 năm mày mò để làm giấy từ hoa sen, ông đã gặp những khó khăn gì?

- Nói ra ý tưởng thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm thì nhiều công đoạn và gian khó vô cùng. Từ nguyên liệu đài sen thô phải nhặt bỏ hết hạt, phơi khô qua nhiều nắng rồi luộc nhừ trong khoảng từ 8 - 10 tiếng. Đài sen sau khi nhặt sạch, được đem đi giã bằng tay để các xơ sen nhuyễn và tơi ra. Sau đó, xơ sen được ủ trong hoá chất hữu cơ trong vòng 3 tháng để đạt chuẩn và tiến tới công đoạn chao giấy.

Sau khi có nguyên liệu, tôi gặp phải một vấn đề nan giải, trong đài sen chỉ có khoảng 40% hàm lượng xenlulozơ (cellulose) nên rất khó để kết dính. Tôi đã thử sử dụng nhiều chất liệu để kết dính chất xơ nhưng đều không thành công. Tình cờ, trong một lần đến thăm người bạn có nghề truyền thống làm hương ở Hưng Yên, tôi biết đến bột bời lời. Tôi đã xin bạn một chút bột để sử dụng thử vào đài sen. Sau tất cả cố gắng và niềm say mê, mẻ giấy sen đầu tiên được ra đời. Hơn 5 năm “ăn nằm” với đài sen vẫn không thành công, bị nhiều người nói mình là người không bình thường tôi vẫn không nản chí.

Tôi dùng giấy sen tạo thành các sản phẩm thủ công truyền thống khác mang đậm bản sắc Việt để gia tăng giá trị của hoa sen.

Hiện nay, nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đang gặp khó trong việc tiêu thụ tại thị trường. Ông đã lựa chọn "con đường" nào để những sản phẩm từ hoa sen đem lại giá trị kinh tế cao?

- Hiện nay, có nhiều sản phẩm lưu niệm cho khách quốc tế ở Việt Nam mang đậm phong cách truyền thống nhưng chưa có dấu ấn cá nhân. Bản thân tôi cũng có một niềm say mê với văn hoá dân tộc, nhưng để sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao thì không thể đi theo lối mòn. Quan điểm của tôi là không bán những thứ mình có, mà bán những thứ khách hàng cần. Vì vậy, giấy sen không chỉ dừng lại để viết chữ mà còn hoá thân làm những nguyên liệu "trọng yếu" trong nhiều sản phẩm khác như làm hoa bằng giấy sen hay làm quạt bằng giấy sen được vẽ tranh truyền thống... để đưa hình ảnh văn hoá của Việt Nam vươn ra ngoài thế giới.

Không chỉ vậy, trong các sản phẩm cần có sự phá cách và nét đặc trưng riêng. Các sản phẩm trang trí, tranh vẽ từ chất liệu truyền thống đôi khi sẽ khó thu hút bạn bè quốc tế. Nhưng nếu vẫn những chất liệu truyền thống đó tạo thành những sản phẩm đặc trưng của các quốc gia khác sẽ khiến khách du lịch yêu thích. Ví dụ, tôi đã làm hoa tulip từ giấy sen, vẽ tranh những địa điểm nổi tiếng thế giới lên quạt làm bằng giấy sen... những sản phẩm này đều đã tạo được hiệu quả tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn