MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Ông vua" vàng miếng SJC ngậm trái đắng độc quyền

Lam Duy LDO | 28/05/2023 14:15
Dù SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, song kết quả lợi nhuận của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại quá èo uột so với các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác.
Kể từ thời điểm SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, lợi nhuận của SJC rất èo uột. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh thu cả vạn tỉ đồng, lợi nhuận èo uột

Trong các ngày 27-28.5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức chênh lệch xấp xỉ 11,5 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Diễn biến này không gây ngạc nhiên bởi trong suốt thời gian qua, giá vàng miếng SJC thường xuyên duy trì mức chênh lệch cao lên tới 13 triệu đồng trong các tháng đầu năm 2023.

Thậm chí vào thời điểm cuối năm 2022, giá vàng miếng SJC có lúc cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 17 triệu đồng mỗi lượng.

Mức chênh lệch giá quá lớn dễ gây lầm tưởng rằng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn thời gian qua có thể kiếm bộn tiền nhờ mảng kinh doanh vàng miếng SJC.

Tuy nhiên, theo dữ liệu tài chính mà chính doanh nghiệp này công bố, lợi nhuận SJC liên tục giữ ở mức khiêm tốn trong hơn 10 năm trở lại đây. Thậm chí thấp hơn rất nhiều kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cùng kinh doanh vàng khác, như Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Báo cáo tài chính năm 2022 của SJC cho thấy, trong năm này, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng hơn 18.760 tỉ đồng so với kế hoạch, lên hơn 27.150 tỉ đồng. Lãi gộp theo đó cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên 250 tỉ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí cơ bản của SJC như bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính, lãi ròng của SJC bị thu hẹp chỉ còn 48,5 tỉ đồng, nhỉnh hơn năm 2021 vỏn vẹn 12% dù doanh thu tăng tới 53%.

Điều gây chú ý với thị trường là dù có doanh thu chỉ nhỉnh hơn SJC chưa đầy 25%, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại gấp tới 3.600% so với kết quả kinh doanh của SJC. Trong năm 2022, báo cáo tài chính của PNJ cho thấy, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 33.876 tỉ đồng và 1.807 tỉ đồng.

Mới đây nhất theo báo cáo từ PNJ, dù doanh thu 3 tháng đầu năm 2023 giảm nhẹ so với nền cao kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái, đơn vị này vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 3,8%, lên gần 750 tỉ đồng.

SJC mất hoàn toàn vị thế

Các diễn biến trên đây thường gây tò mò, đặc biệt với tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của SJC hiện nay, cũng như việc vì sao doanh nghiệp này chỉ thu lợi nhuận khiêm tốn trong các năm qua, dù rằng giá vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới quy đổi tới hơn 11 triệu đồng.

Công ty SJC cũng chỉ được thực hiện kinh doanh mua bán vàng miếng như các doanh nghiệp khác. Ảnh: Đình Hải

Giải đáp cho thắc mắc này, tại một cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đông đủ các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC - khẳng định, Công ty SJC hoàn toàn không được hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng. 

Ngược lại kể từ năm 2012 khi SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia và nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, toàn bộ hoạt động sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý chặt chẽ, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

SJC chỉ là đơn vị thực hiện công đoạn dập gia công vàng miếng theo quy định, với giá gia công miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

Cũng theo bà Lê Thúy Hằng, hơn 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Chưa kể từ một doanh nghiệp có lượng vàng miếng chiếm đến 90% tổng lượng vàng miếng trong lưu thông, từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh.

Đáng chú ý, lãnh đạo SJC cũng cho hay, kể từ khi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm rất mạnh, từ hơn 300 tỉ đồng đến gần 400 tỉ đồng/năm, tới giờ chỉ đạt 74-80 tỉ đồng lãi ròng.

Thực tế trong dự thảo báo cáo tổng kết Nghị định 24 đang được xây dựng, NHNN cũng cho biết, dù vàng miếng quốc gia mang thương hiệu SJC, Công ty SJC cũng chỉ được thực hiện kinh doanh mua bán vàng miếng như các doanh nghiệp khác.

SJC không được hưởng lợi từ chênh lệch với giá vàng thế giới, mà "lợi nhuận của công ty chủ yếu từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng miếng với khách hàng; sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ" - NHNN cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn