MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giàn khai thác mỏ Bạch Hổ.ảnh: PVN cung cấp

PVN đoạt 3 giải thưởng lớn về KHCN

Hà Anh LDO | 22/05/2017 11:51
Trong hơn 4 thập niên qua, PVN đã không ngừng phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN bằng việc tiếp nhận thành tựu KHCN mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn trong hoạt động sản xuất. Mới đây, trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh/ Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 5, 3 công trình nghiên cứu KHCN của PVN đã được Đảng, Nhà nước vinh danh với hai Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN và một Giải thưởng Nhà nước về KHCN.  

Ghi danh vào kho tàng công nghệ khai thác dầu thế giới

Đó là cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” của TS Từ Thành Nghĩa và 29 đồng tác giả của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.

Đây là công trình được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, ghi nhận kết quả nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, xây dựng và áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới.

Công trình đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm thiết kế hệ thống công nghệ của Liên Xô cũ, thay đổi cấu hình phát triển mỏ; đặt cơ sở vận hành an toàn các mỏ Bạch Hổ, Rồng sau khi phương án vận chuyển dầu về Thành Tuy Hạ không khả thi và đường ống vận chuyển dầu trong nội mỏ tắc nghẽn do lắng đọng parafin nghiêm trọng. Công trình còn là tiền đề để đưa nhiều mỏ khác ở bể Cửu Long vào khai thác dựa trên nền tảng mô hình kết nối các mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Hiệu quả kinh tế trực tiếp của Cụm công trình đến hết năm 2014 là 779,7 triệu USD. Về giá trị khoa học, công trình đã phát triển và hoàn thiện tổ hợp công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều parafin, làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển dầu trên thế giới, đó là: Vận chuyển hỗn hợp dầu khí ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc… Về giá trị kinh tế, công trình được đánh giá là có giá trị vô cùng to lớn khi trong điều kiện đất nước bị cấm vận, công trình đã góp phần phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Việt Nam với việc đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác năm 1986, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, tạo ra sản phẩm mới cho đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dầu.

Lần đầu tiên chế tạo giàn khoan 90m nước

Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả của Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) cũng nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, cho đến trước năm 2010, chưa có một công ty nào tại Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chi tiết về thiết kế và công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng. Ngay cả việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các giàn khoan tự nâng đang hoạt động tại Việt Nam hoặc lân cận cũng đều phải đưa ra nước ngoài thực hiện. Trên thế giới cũng rất ít công ty có thể tham gia vào lĩnh vực này, chỉ có khoảng 10 công ty, tập trung tại các nước Hoa Kỳ, Singpore, Ukraina và Trung Quốc. PV Shipyard là công ty đầu tiên tại Việt Nam tham gia lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng có yêu cầu rất cao về công nghệ này. Sản phẩm giàn khoan dầu khí tự nâng được thiết kế, chế tạo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và công trình trong suốt quá trình hoạt động dưới các tác động khắc nghiệt trên biển. Toàn bộ quá trình thiết kế chi tiết, chế tạo được đăng kiểm quốc tế kiểm tra, công nhận. Việc nghiên cứu, ứng dụng vào chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng Tam Đảo 03 đưa Việt Nam thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ thiết kế chi tiết và chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế, mở ra một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của công trình KHCN đã được áp dụng để chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 trước thời hạn 2 tháng.

Làm chủ công nghệ hạ thủy chân đế

Và cuối cùng là công trình “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam” của kỹ sư Trần Xuân Hoàng và 8 đồng tác giả của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đoạt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Những thành tựu KHCN trong đề tài như nguyên lý tính toán, quy trình lắp dựng, quay lật panel khối lớn bằng nhiều cẩu; nguyên lý tính toán, quy trình chế tạo, hạ thủy chân đế siêu trường siêu trọng sử dụng đường trượt bêtông; nguyên lý tính toán, quy trình thực hiện công tác lai dắt, đánh chìm chân đế bằng sà lan chuyên dụng; tính toán quỹ đạo, đánh giá độ ổn định của hệ chân đế - sà lan trong quá trình tự phóng đã tạo những thay đổi mang tính đột phá trong việc nắm bắt làm chủ công nghệ thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế bằng phương pháp tự phóng tại Việt Nam, một trong những vấn đề hóc búa của lĩnh vực thi công biển. Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài và kinh nghiệm từ thực tế áp dụng Vietsovpetro có đủ điều kiện và uy tín để tham gia đấu thầu các dự án lớn về xây dựng công trình khai thác dầu khí biển trong khu vực và trên thế giới.

Cụm đề tài được nghiên cứu áp dụng tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro từ năm 2010 đến nay đã đem lại lợi ích kinh tế doanh thu: 294 triệu USD, tương đương với 6.615.000 triệu VND ngoại tệ không chảy ra khỏi Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế cho Vietsovpetro đạt hơn 38,5 triệu USD = 866.250 triệu VND.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn