MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng ký Hiệp định IPA với Liên minh Châu Âu vào chiều 30.6. Ảnh: Sơn Tùng

Rủi ro bị khởi kiện sau Hiệp định IPA: Đàm phán thay vì trừng phạt

Phạm Dung LDO | 01/07/2019 07:41
Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) Việt Nam - Liên minh Châu Âu đã có quy định một cách chi tiết, rõ ràng, với quy trình thủ tục chặt chẽ, có nhiều cơ chế góp phần hạn chế và ngăn ngừa tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. 

Việc ký kết 2 hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) Việt Nam - Liên minh Châu Âu sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. 

Bên cạnh những cơ hội đã nhìn thấy, 2 hiệp định thương mại trong đó có IPA cũng đặt ra những thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt là những rủi ro trong việc bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện. 

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, Việt Nam đã có hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đã ký hơn 60 hiệp định bảo hộ đầu tư với các quốc gia.

Từ những kinh nghiệm đã có được, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khằng định, Việt Nam sẵn sàng đối phó với các vụ kiện. Nhiệm vụ của các cơ quan Chính phủ là nhanh chóng hoàn thiện các thể chế chính sách, đặc biệt là pháp luật về đầu tư kinh doanh để tạo môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư, tránh những tranh chấp không đáng có.

Bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại của Liên minh Châu Âu cho rằng việc ký hiệp định này tạo ra một khu vực mang tính thương mại tự do giữa 2 bên và mang lại những cơ hội.

Các cam kết về bảo hộ đầu tư trong IPA được xây dựng một cách chi tiết hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU, có tiêu chí rõ ràng đối với từng nghĩa vụ. IPA có quy định riêng ghi nhận quyền điều tiết chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

Những quy định này góp phần đảm bảo nội dung Hiệp định IPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, phù hợp với với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán Hiệp định.

Việc giải quyết tranh chấp của Hiệp định IPA cũng được quy định một cách chi tiết, rõ ràng, với quy trình thủ tục chặt chẽ, có nhiều cơ chế góp phần hạn chế và ngăn ngừa tranh chấpnhư cơ chế thương lượng bắt buộc trước khi khởi kiện, cơ chế hòa giải và thi hành thỏa thuận hòa giải, không thụ lý đơn kiện của các nhà đầu tư thực hiện đầu tư thông qua hành vi gian dối, vi phạm pháp luật được; cơ chế xử lý các khiếu kiện vô căn cứ, v..v…Cơ quan giải quyết tranh chấp theo IPA là cơ quan thường trực với 2 cấp xét xử sẽ giúp các tranh chấp được giải quyết một cách công bằng hơn, độc lập, nhất quán, hạn chế sai sót.

Do đó, so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký với các quốc gia thành viên EU, Hiệp định IPA có bước tiến đáng kể trong việc hạn chế, ngăn ngừa và giải quyết một cách hiệu quả các tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

"Nếu có những xung đột xảy ra thì các bên cần ngồi lại với nhau để tìm phương pháp giải quyết thay vì đưa ra các biện pháp trừng phạt", bà Cecilia Malmstrom nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn