MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo nhiều chuyên gia, không nên ưu ái quá nhiều và để các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hải Nguyễn

Sắp xếp lại DNNN, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu

Văn Nguyễn – Cao Nguyên LDO | 10/11/2020 07:52
Với định hướng bảo đảm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 trình Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các DNNN trong những năm tới.

Hình thành các tập đoàn Nhà nước mạnh

Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả đồng thời phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô là một trong nhiều giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong 10 năm tới.

Đặc biệt ở với nhóm DNNN, dự thảo xác định phương hướng cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Với phương hướng trên, trong 5 năm tới, cần tiếp tục thực hiện sắp xếp lại DNNN, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, nhất là trong cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tiền thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số DNNN then chốt quốc gia thuộc 4 lĩnh vực Nhà nước đầu tư và nắm giữ vốn theo quy định. Nâng cao hiệu quả của DNNN sau cổ phần hoá, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và có trình độ cao.

Sòng phẳng và đừng ưu ái quá nhiều

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tiền đề quan trọng bậc nhất cho DNNN trở nên hiệu quả là đặt họ vào môi trường cạnh tranh, yêu cầu họ phải tham gia cạnh tranh. Hiện nay cổ phần hóa DNNN rất chậm, đến bây giờ vẫn vậy. Một vài năm trước đạt được số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng cũng không đạt được đủ mức. Tức là cổ phần hóa bán ra quá ít thành ra những người mới tham gia cũng không có tiếng nói, không có vai trò. Không có số cổ phần để quyết định thay đổi thực sự cho DNNN nên tuy là cổ phần hóa rồi nhưng bản chất vẫn là DNNN.

Từ đó, theo vị chuyên gia này cho rằng, cách vận hành vẫn tương tự như cũ, không mang lại hiệu quả nhiều. Nếu doanh nghiệp nào mà đã cổ phần hóa nhưng số cổ phần nhà nước quá lớn dẫn đến vẫn có ý thức trì trệ, tâm lý được nhà nước bảo hộ, ưu ái.

“Hoạt động trên thị trường mà cứ dựa vào bảo hộ, che chắn của nhà nước, ưu đãi tiếp cận nguồn lực, ưu đãi mặt này mặt khác thì họ không có cạnh tranh và phát triển được” - bà Lan nhấn mạnh thêm.

Cũng theo bà Lan, để thay đổi và phát triển DNNN cũng cần xem lại việc phân bổ nguồn lực. Nhà nước lập ra DNNN để kỳ vọng những nguồn lực này có thể ăn nên làm ra. Tuy nhiên không ít DNNN khi lập ra lại không đạt được như mục tiêu ban đầu. Theo đó việc phân bổ nguồn lực cũng cần phải phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh thị trường nhiều hơn, cụ thể cũng nguồn lực đó nhưng nếu đưa vào doanh nghiệp họ cam kết làm ăn tốt hơn, đưa ra phương án tốt hơn, những lĩnh vực họ làm mang lại cho kinh tế tốt hơn thì nên dành cho họ. Không nên ưu ái quá nhiều cho DNNN khi không phát triển được.

“Ngoài ra, nếu còn có quá nhiều cơ quan nhà nước tham gia vào quản lý DNNN thì khó phát triển. Kể cả doanh nghiệp nào muốn thay đổi, đổi mới nếu họ có lãnh đạo giỏi nhưng mỗi ông nhà nước quản một chút thì cũng khó. Thay đổi quản trị thì phải thay đổi quản trị về phía nhà nước trong cách quản lý DNNN chứ không phải trong nội bộ DNNN. Cơ quan nhà nước quản lý họ mà không thay đổi thì làm sao mà thay đổi họ được” - bà Lan chia sẻ thêm.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng: Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh.

Cũng theo ông Doanh, cần phải cổ phần hóa và phải cổ phần hóa với tỉ lệ đủ lớn để cho cổ đông tư nhân có tiếng nói, ngồi trong Hội đồng quản trị. Ngoài ra, cần phải thay đổi quản lý nhà nước. “Với quản lý nhà nước như hiện nay thì khó để quản lý và thay đổi DNNN. Tôi cho rằng, cơ bản giám sát của nhà nước trong DNNN là kém hiệu quả” - ông Doanh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, thời gian tới muốn giải quyết và đưa DNNN làm ăn có hiệu quả thì phải nâng cao năng lực quản trị, cải tiến cơ cấu kinh doanh, chọn người lãnh đạo cho đúng.

Vẫn còn tình trạng lãi giả, lỗ thật

Trong khi đó theo dự thảo báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025 trình Đại hội XII, luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6.2019, cả nước đã cổ phần hoá 171 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 206,7 nghìn tỉ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá cả giai đoạn 2011 - 2015; tổng số thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 là 221 nghìn tỉ đồng, gấp 2,7 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên quá trình sắp xếp lại, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm tiến độ, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn