MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau dịch COVID-19, nhiều nước có thể sẽ cấu trúc lại nền kinh tế hướng nội

Thiên Bình LDO | 10/04/2020 13:30

Khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19, nhiều quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng theo, trong đó có Việt Nam. Bởi Trung Quốc đang đóng góp khoảng 40% hàng hóa trung gian cho các chuỗi cung ứng tại châu Á và 10% cho Hoa Kỳ. 

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc và những nước khác ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương giảm tốc đáng kể và hàng triệu người có nguy cơ rơi vào đói nghèo.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, tác động tiêu cực của dịch bệnh kéo dài sang năm tới, kinh tế khu vực này năm 2020 dự kiến giảm 0,5%, mức yếu kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998. Theo kịch bản xấu nhất, kinh tế Trung Quốc sẽ gần như chững lại, với mức tăng chỉ 0,1%.

Rủi ro dịch bệnh làm ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại toàn cầu.

Đánh giá sơ bộ trong báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc có vai trò lớn trong chuỗi giá trị và tiêu thụ toàn cầu.

Theo ước tính của Bloomberg vào tháng 2.2020, dựa trên số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Trung Quốc đóng góp khoảng 40% hàng hóa trung gian cho các chuỗi cung ứng tại châu Á và 10% cho Hoa Kỳ. Do đó, từ tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, ít nhất trong ngắn hạn, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế sẽ đặc biệt khó khăn đối với các sản phẩm mà Trung Quốc là nhà cung cấp chiếm ưu thế trên toàn cầu.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, trong những thập kỷ qua, thế giới theo đổi chính sách toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá đem lại lợi lớn khi quốc gia nào có lợi thế về lĩnh vực nào thì sẽ tập trung vào sản xuất trong lĩnh vực đó. Trong 30 năm qua, thế giới chưa bao giờ tạo nên một tài sản chung lớn như vậy. Đó là thành quả của toàn cầu hoá. 

Tuy nhiên, qua dịch bệnh này, nhiều nước thấy rằng tính tập trung cao nhưng cũng kéo theo sự lệ thuộc lớn. Lấy ví dụ về trường hợp của Hoa Kỳ, chuyên gia này cho rằng, từ trước đến nay, Mỹ nghĩ rằng vấn đề thiết bị y tế như khẩu trang quá đơn giản nên họ giao cho các nhà cung ứng của Trung Quốc.

Thế nhưng khi có dịch bệnh, Mỹ đã trở tay không kịp. 50 thống đốc của 50 tiểu bang của Mỹ đang phải "chạy ngược chạy xuôi" tìm nguồn khẩu trang. Có lẽ sau đại dịch này, nước Mỹ sẽ nhìn lại cấu trúc kinh tế của mình, giảm độ toàn cầu hoá và hướng nội nhiều hơn.

"Không chỉ có Mỹ mà nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam sẽ hướng nội nhiều hơn. Việt Nam là một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chúng ta cũng nên nghiên cứu chính sách hướng nội để không rơi vào tình trạng khủng hoảng", chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương phân tích. 

Chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh, dịch COVID-19 không phải là dịch bệnh bình thường mà nó đã ảnh hưởng đến toàn cầu. Trong thời điểm này vì nền kinh tế thế giới liên kết quá chặt chẽ với nhau nên khi 1 nước có vấn đề thì cả thế giới sẽ có vấn đề. Khi Trung Quốc khủng hoảng, nguồn cung suy giảm, đã tạo thành cơn sốc mà thế giới chưa bao giờ hình dung được. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn