MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năng suất lao động thấp tác động không nhỏ đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: P.V

Tăng năng suất - đòn bẩy để phát triển bền vững

P.V LDO | 23/12/2017 09:30

Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững, đây là xu thế tăng trưởng của toàn cầu và cũng là thách thức tại Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, cần phân bổ nguồn lực nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Thách thức lớn

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2017 nền kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, 13 chỉ tiêu phát triển KTXH Quốc hội giao dự kiến đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng là năng suất. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tăng năng suất, hiện Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường kỷ cương, tận dụng tốt mọi thời cơ và các cơ hội, đổi mới sáng tạo nhằm tạo sự đồng thuận cao của toàn hệ thống, hành động quyết liệt, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Một số chuyên gia cho rằng hiện nâng cao năng suất đang là thách thức đối với Việt Nam. Theo Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, tăng năng suất là vấn đề quan trọng cho phát triển trung hạn giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Trong năm 2017, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu cao như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, tỉ giá hối đoái ổn định, vị trí đối ngoại tăng lên… Đặc biệt, Việt Nam đã tăng 14 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh của WB. Với đà tăng trưởng này sẽ là tiền đề để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Cũng theo ông Ousmane Dione, Việt Nam còn nhiều lĩnh vực để nâng cao năng suất, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, liên doanh liên kết giữa các DN trong nước và DN FDI cũng đóng vai trò quan trọng để nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất. Việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm bớt gánh nặng chi phí, cải thiện nguồn lực cũng là vấn đề quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện tiếp cận thị trường, phân bổ nguồn lực sản xuất trong thị trường vốn, thị trường đất đai hiệu quả hơn. “Cần có thể chế thị trường lao động tốt hơn, cơ sở giáo dục đại học tốt hơn, đảm bảo kỹ năng và trình độ cao hơn cho người lao động, tạo ra môi trường thể chế hiệu quả, cơ chế khuyến khích tốt, giúp duy trì tăng trưởng năng suất bền vững trong tương lai” - ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Đòn bẩy để thu hút các nguồn lực

Để có thể huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển trong khi nguồn hỗ trợ phát triển đang rút dần, Việt Nam cần phải huy động thêm nguồn lực một cách hiệu quả hơn, huy động thu và nâng cao hiệu suất chi tiêu công và quản lý nợ, xây dựng thị trường nợ trong nước hiệu quả, đảm bảo mục tiêu phát triển mà không làm cho nợ tăng lên. Cùng đó, các nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách hiệu quả hơn, tạo đòn bẩy huy động nguồn lực tư nhân trong nước. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, hướng tới một nền sản xuất đem lại giá trị nhiều hơn với nguồn lực ít hơn. Đồng thời, thực hiện cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động…

Trong phiên thảo luận về tăng trưởng năng suất trong khuôn khổ “Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017”, các chuyên gia kinh tế đã đóng góp nhiều ý kiến về xu thế giảm, tăng năng suất và thách thức đối với năng suất của Việt Nam; các nguồn lực chính ảnh hưởng đến tăng năng suất, như: Chuyển dịch cơ cấu, liên kết FDI với các mạng lưới, đổi mới DNNN, DN tư nhân, DNNVV và một số xu thế chính trong năng suất nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất… Cùng đó, các chuyên gia cũng đã chia sẻ về cách thức hài hòa cung và cầu về kỹ năng lao động và cách thức đổi mới trong DN nhằm giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị. Đồng thời các diễn giả cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm tận dụng lợi thế công nghệ, kết nối tốt hơn với FDI và mạng lưới toàn cầu, cũng như thúc đẩy các cơ hội giao thương quốc tế nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng năng suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn