MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận FTA - Ảnh: PV

Thủ tục phức tạp, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tận dụng FTA

Linh Chi LDO | 13/06/2018 17:04
“Khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận các FTA là do các quy tắc, thủ tục trong hầu hết các FTA rất phức tạp. Điển hình như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây có tới hơn 30 chương với hơn 1.000 trang, trong đó, riêng quy định về quy tắc xuất xứ là 120 trang. Như vậy, làm sao các DN nhỏ và siêu nhỏ có thể nắm và hiểu hết được tất cả các quy định” - ông Rajan Sudesh Ratna, Chuyên viên kinh tế, Bộ phận Thương mại, đầu tư và sáng tạo, UNESCAP Bangkok - nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho thấy, các doanh nghiệp cho rằng, chỉ có 20% các FTA mang lại sự minh bạch.

Tại hội thảo “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tận dụng các FTA” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết, 70% doanh nghiệp cho biết, họ thiếu thông tin về các FTA, 70% thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn về FTA từ Chính phủ, 38% doanh nghiệp cho biết thiếu kiến thức, thông tin về xuất khẩu.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương, DN nhỏ và vừa của VN chiếm 97% tổng số DN, tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa thực sự đóng góp nhiều vào các hoạt động xuất khẩu lớn và lý do khiến DN nhỏ và vừa khó khăn tiếp cận các FTA do các quy tắc, thủ tục trong hầu hết các FTA đều rất phức tạp.

Ông Rajan Sudesh Ratna cho rằng, dù vấn đề của các SME được đề cập nhiều trong các FTA nhằm hướng giảm thủ tục, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để DN tham gia vào xuất khẩu nhưng thực tế DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự tận dụng được.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc hạn chế tận dụng các ưu đãi từ FTA của MSMEs là do nội dung các điều khoản, quy tắc để áp dụng các FTA đặc biệt là điều khoản về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa quá phức tạp khiến các MSMEs khó nắm bắt và áp dụng.

Thậm chí, có nhiều điều khoản về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được cho là ưu đãi nhưng thực chất được thiết kế để hạn chế hoặc ngăn cản quốc gia này xuất khẩu 1 mặt hàng nào đó vào quốc gia kia.

Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia áp dụng thành công các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ông Jang Jin-deok - Phó Giám đốc Phòng hợp tác FTA, Cục Hải Quan Hàn Quốc - cho biết, tỉ lệ áp dụng các FTA vào xuất nhập khẩu của Hàn Quốc đang tăng khá nhanh trong vài năm trở lại đây, đến năm 2017, tỉ lệ này đã đạt 68% tổng khối lượng trao đổi hàng hóa với nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, các công ty lớn có tỉ lệ tận dụng FTA trong xuất khẩu hàng hóa cao hơn các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, ở chiều nhập khẩu, mức độ tận dụng các FTA của các DN nhỏ và vừa lại tốt hơn.

Ông Jang Jin-deok chia sẻ, hầu hết các DN nhỏ đều không có bộ phận hay chuyên gia nghiên cứu các quy định, cách thức xin cấp C/O theo yêu cầu của từng FTA, vì vậy, Hải quan Hàn Quốc đã thành lập bộ phận hỗ trợ để hướng dẫn DN hoàn thiện các thủ tục để được hưởng ưu đãi từ các FTA phù hợp.

Tại Indonesia, để hỗ trợ các DN tiếp cận được các FTA, nước này có trung tâm về FTA tại 5 thành phố lớn nhằm phổ biến và tư vấn và cunng cấp các dịch vụ hỗ trợ về FTA cho DN. Đây là các hình thức hỗ trợ có chi phí thấp, nhanh chóng nhất, khi DN gặp phải vấn đề gì cũng sẽ được tư vấn từ các trung tâm này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tư vấn độc lập từ các trường đại học tại Indonesia cũng tham gia để hỗ trợ cho các DN về FTA, các hoạt động hỗ trợ tập trung vào các vấn đề DN nhỏ và vừa gặp phải theo đặc thù của từng ngành nghề…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn