MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thuốc Việt: Đãi cát, tìm vàng

PV LDO | 06/09/2017 18:47
Cái nắng tháng 8 trải rộng trên những ruộng đương quy  sắp đến kỳ thu hoạch ở xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà khá oi ả song cả gia đình ông Ma Seo Vần vẫn cần mẫn chăm sóc từng luống cây. Ông kể từ hồi tham gia vùng trồng dược liệu sạch của Công ty cổ phần Traphaco, bà con rất hào hứng và không quản ngại mưa nắng.

Trước đây, như bao gia đình nông dân khác tại huyện Bắc Hà, gia đình ông trồng ngô trên đám ruộng rộng vài chục thước, mỗi năm trừ chi phí giống, phân bón cũng chỉ lãi được hơn 10 triệu đồng, có năm mất mùa còn lỗ vốn, lắm lúc được mùa lại chẳng ai mua.

Tham gia vùng trồng dược liệu đương quy của Traphaco 2 năm nay, được cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và quan trọng hơn cả là được bao tiêu sản phẩm, gia đình ông “thoải mái” hơn hẳn. Thu nhập mỗi năm đạt gần 100 triệu đồng, ông Vần sắm được tivi và nhiều đồ dùng giá trị khác.

Theo ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch huyện Bắc Hà (Lào Cai), mô hình hợp tác 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong triển khai vùng trồng dược liệu đang tạo ra nhiều chuyển biến cho địa phương vùng cao.

Tại riêng Bắc Hà, diện tích trồng cây dược liệu tính đến nay đạt khoảng 85 ha, theo quy hoạch sẽ tiếp tục tăng lên 150 ha vào đầu năm 2020. Khí hậu và thổ nhưỡng vùng cao đặc biệt thích hợp cho nhiều loại dược liệu quý như atiso, đương quy, chè dây…

Nhưng để diện tích những thửa ruộng bậc thang trồng dược liệu mở rộng tít tắp thêm nữa, theo ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc CTCP Traphaco, thực sự có rất nhiều vấn đề đáng nói.

Ngay cây đương quy mà Traphaco và huyện Bắc Hà đang phối hợp tổ chức vùng trồng trên diện tích 10 ha với sự tham gia của 300 hộ dân, nếu so sánh với giá đương quy nhập khẩu từ Trung Quốc, cao hơn khá nhiều.  

Nếu không vì mục tiêu phát triển bền vững, không vì kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sạch của cây dược liệu trồng trong nước, doanh nghiệp khó có thể kiên nhẫn theo đuổi trong thời gian dài.

Thách thức lớn nhất để phát triển các vùng dược liệu sạch là phải có đầu ra ổn định. Dược liệu là hàng hóa đặc biệt trong đó thành phần quan trọng nhất là các hoạt chất để thuốc có tác dụng. Nhưng đầu ra cho thuốc có nguồn gốc từ dược liệu sạch hiện chủ yếu do doanh nghiệp tự bươn chải.

Ông Văn cho biết, chúng ta chưa có chính sách cho những dược liệu trong nước có nguồn gốc xuất xứ đạt chuẩn được tham gia thầu vào các bệnh viện. Chưa kể, có những Sở y tế yêu cầu, muốn cung cấp dược liệu cho các cơ sở y tế trên địa bàn, bên bán phải có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược liệu. Bà con nông dân thì lấy đâu ra giấy phép?.

Còn không ít quy định bất cập khác. Đơn cử, Nghị định 210 thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có quy định ưu đãi cho  dược liệu nhưng lại đặt ra điều kiện, muốn hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải có diện tích vùng dược liệu đạt trên 50 ha. Trong khi thực tế, hầu như không có doanh nghiệp nào tích tụ được quỹ đất lớn như vậy để tổ chức trồng dược liệu.
Việt Nam có tới 4.000 loài cây và hơn 1.000 loài sinh vật có thể dùng làm thuốc; Song  Hiệp hội dược liệu Việt Nam đã thống kê, 80% nhu cầu dược liệu trong nước hiện là nhập khẩu. Nguyên nhân là dược liệu sản xuất trong nước có chi phí cao do nhiều yếu tố như tiếp cận đất đai, vốn, trình độ khoa học công nghệ, nhu cầu thị trường thấp…

Cũng theo Hiệp hội này, hơn 4 tháng kể từ khi Hội nghị phát triển ngành dược liệu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Lào Cai, hầu như chưa có chính sách mới nào được ban hành, thuốc có nguồn gốc dược liệu sạch trong nước vẫn đứng ngoài cổng các bệnh viện.

Ông Văn cho biết, dự án “Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liêụ Traphaco” (GreenPlan) đã được Traphaco triển khai gần 10 năm, hiện vùng nguyên liêụ đã được mở rộng trên 36.300 ha trải dài trên 24 tỉnh thành từ Bắc vào Nam Viêṭ Nam. Năm 2016, Traphaco đã sử dụng 3.383 tấn bao gồm hơn 100 loại dược liệụ và tỷ trọng dược liệụ nguồn gốc trong nước chiếm 91,3% tổng nhu cầu sử dụng sản xuất của Công ty.

Những sản phẩm nổi tiếng của Công ty như Thuốc bổ gan Boganic, Cebraton, Hoạt huyết dưỡng não… đều bào chế từ dược liệu sạch, truy xuất được nguồn gốc, đạt chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức y tế Thế giới) … 

Traphaco đã chọn chiến lược phát triển gắn với dược liệu sạch trong nước nên dù khó khăn, vất vả đến đâu, Công ty vẫn tiếp tục đi trên con đường xanh đã lựa chọn. Nhưng từ câu chuyện trên có thể thấy những doanh nghiệp tiên phong phát triển vùng dược liệu sạch như Traphaco đang gặp không ít vất vả.

Câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu doanh nghiệp tâm huyết với định hướng phát triển bền vững và dài hạn trong khi cơ chế hiện hành lại chưa ủng hộ các doanh nghiệp tiên phong?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn