MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp được công nhận đạt thương hiệu quốc gia 2020. Ảnh: Ngô Cường

Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Làm gì để vượt mức 338 tỉ USD?

Huyên Nguyễn LDO | 12/05/2022 14:13
Chuyên gia từ giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp tham gia Tuần lễ Kinh doanh quốc tế do Đại học RMIT tổ chức với chủ đề "Xây dựng thương hiệu quốc gia trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu: Con đường phía trước cho Việt Nam" đều cho rằng đã đến lúc cần có cách tiếp cận toàn diện và cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam.

Giá trị THQG Việt Nam liên tục được cải thiện trong vài năm gần đây. Theo Brand Finance, THQG Việt Nam năm 2021 được định giá ở mức 388 tỉ đô la Mỹ (tăng 21,6% so với năm trước) và xếp thứ 33 toàn cầu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 THQG phát triển nhanh nhất trên bảng xếp hạng này.

TS Erhan Atay, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, cho rằng kết quả như vậy có được “nhờ sự phối hợp đồng bộ các chương trình chiến lược cũng như hỗ trợ của Chính phủ, kết hợp với nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hiện diện và giá trị của họ ở cả thị trường trong nước và toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông nhận xét rằng mặc dù giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến thực phẩm hay may mặc đều tăng đáng kể nhưng trên thực tế số thương hiệu xuất xứ từ Việt Nam được thế giới biết đến “còn hết sức ít ỏi”.

Lý giải thêm, TS Đặng Thảo Quyên, giảng viên khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho rằng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ việc bán nguyên liệu thô, hoặc tham gia vào các quy trình sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản trên chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động kinh doanh này mang lại ít giá trị và không bền vững với cả doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

Kết quả là người tiêu dùng toàn cầu không biết đến thương hiệu Việt, và trong nhiều trường hợp người tiêu dùng trong nước lại chuộng hàng ngoại nhập hơn nội địa, TS Quyên nói.

Các chuyên gia cho rằng để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu, đã đến lúc cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần có cách tiếp cận toàn diện và cụ thể nhằm nâng tầm THQG cũng như thương hiệu của từng doanh nghiệp.

Cần chinh phục khách hàng trong nước

Nếu một quốc gia hoặc thương hiệu muốn thành công trên thị trường toàn cầu thì trước tiên họ phải giành được sự ưu ái của người dân và thị trường trong nước. Doanh nghiệp không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thị trường nội địa.

TS Lindsey M. Bier, Đại học Nam California, Hoa Kỳ chia sẻ: “Nếu một quốc gia và các sản phẩm của quốc gia đó không hấp dẫn chính khách hàng nội địa, thì họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút khách hàng nước ngoài và duy trì danh tiếng trên trường quốc tế một cách lâu dài”.

Hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu từ những bước đi nhỏ

Thâm nhập thị trường quốc tế có thể là một hành trình đầy cam go, đòi hỏi những bước đi chập chững ban đầu cùng với sự kiên nhẫn và nhiều nỗ lực mà doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp có thể chấp nhận làm nhà sản xuất hay gia công cho thương hiệu của nước ngoài trong thời gian đầu, sau đó tiến tới kinh doanh sản phẩm với thương hiệu riêng. Tuy nhiên, họ cần lưu ý để không mất đi nguồn gốc Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào.

Bà Võ Thị Liên Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Secoin chia sẻ: "Ai cũng muốn vươn ra quốc tế và trở thành người chơi lớn ở đó, nhưng chúng ta phải biết mình là ai và phải hiểu vị thế ra sao. Vì vậy, đừng vội nghĩ đến những điều to tát. Hãy đi từng bước một”.

Chuẩn bị kiến ​​thức thâm nhập thị trường nước ngoài

Vì thiếu hiểu biết về thị trường nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhận lấy những bài học đắt giá và đánh mất thương hiệu, nhãn hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, các công ty cần trang bị đầy đủ kiến ​​thức để thâm nhập, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình trên toàn cầu.

"Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đã đánh mất thương hiệu. Doanh nghiệp nước ngoài thường đề xuất đổi tên thương hiệu thành thương hiệu nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận và sẽ mất đi thương hiệu khi ra thị trường nước ngoài", ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance tại Việt Nam cảnh báo.

Khác biệt hóa và tích hợp tính bền vững

Trong khi đó, TS Daniel Borer - giảng viên Kinh tế Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần suy nghĩ xem lợi thế của mình nằm ở đâu so với người khác. Chúng ta phải trở thành một thương hiệu xanh”. Ông tin rằng chiến lược khác biệt hóa chính là chìa khóa để nổi bật và vượt trội trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam và doanh nghiệp Việt cần cập nhật các xu hướng toàn cầu liên quan đến tính bền vững, cũng như tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vào chiến lược để tăng trưởng bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn