MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển điện mặt trời còn nhiều khó khăn do giá mua điện của EVN còn cao so với giá bán lẻ điện hiện hành. Ảnh: PV

Vì sao điện mặt trời chưa phát triển?

PV LDO | 08/09/2017 23:48

Một trong những lý do khiến giá điện mặt trời - dạng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường chưa thể phát triển tại Việt Nam, theo các chuyên gia năng lượng là do giá thành sản xuất điện mặt trời đang cao hơn giá bán điện bình quân. Điều này đang là trở lực lớn khiến người mua và người bán khó gặp nhau.

Bù lỗ 2 cent/kWh điện mặt trời

Theo quy định, từ 01.6.2017, giá điện mặt trời được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mua là 9,35 cent/kWh, tuy nhiên, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành chỉ là 1.622,01 đồng/kWh, tương đương khoảng 7,3 cent/kWh. Như vậy, nếu chấp nhận mua điện mặt trời, EVN sẽ phải bù lỗ khoảng 2 cent/kWh. Do phụ thuộc vào nguồn nhiệt năng là gió và mặt trời tại các khu vực địa lý nên điện gió, điện mặt trời thường là dạng năng lượng không ổn định; trong khi đó, hệ thống điện quốc gia đòi hỏi phải có tính ổn định cao. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện, bên cạnh việc đầu tư phát triển NLTT, phải đầu tư các nguồn năng lượng điện khác, sẵn sàng thay thế khi cần thiết.

Theo tính toán của EVN với giá năng lượng tái tạo như hiện nay, đến năm 2030, nguồn vốn phải bù lỗ cho NLTT là rất lớn, không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng được. Với những khó khăn đó, phải có lộ trình phát triển phù hợp đối với NLTT. Mục tiêu là, trong thời gian ngắn có thể nâng cao hơn nữa tỷ trọng điện NLTT, nhưng giá điện NLTT phải phù hợp để khách hàng có thể chấp nhận được” - ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Giải bài toán cân bằng thu - chi?

Tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - hiện tại và tương lai”, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra vốn đầu tư phát triển hạ tầng (nguồn - lưới điện).

Hiện nay, thủy điện chiếm gần 40% tổng điện năng sản xuất hàng năm, nhưng hầu như tiềm năng này đã được khai thác hết. Trong 10 năm tới, tỷ trọng các nguồn nhiệt điện than, khí sẽ tăng lên. Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than và đang tính đến việc phải nhập khẩu khí đốt. Do đó, giá điện từ các nguồn này cũng khá cao, khó có khả năng hỗ trợ, bù đắp cho phần chênh lệch của giá điện NLTT như gió, mặt trời.

Cùng với các yếu tố khác như thuế, phí bảo vệ môi trường, nhiều khoản chi phí trả cho các nguồn NLTT thì cơ chế cạnh tranh về giá trong thị trường điện cũng sẽ tác động không nhỏ tới giá điện nói chung, giá NLTT nói riêng. Thị trường điện cho phép các doanh nghiệp phát điện được cạnh tranh với nhau. Khi nguồn điện khan hiếm, giá thị trường sẽ cao. Và ngược lại, khi nguồn điện dư thừa, giá thị trường sẽ giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bán điện theo cả hai hướng tăng và giảm.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ khi giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường thì mới thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện năng cũng như phát triển NLTT. Cùng với các cơ chế khuyến khích về giá cho các nguồn NLTT, việc thực hiện cơ chế thị trường còn tạo sự minh bạch tài chính, mời gọi đầu tư của tư nhân cũng như hỗ trợ vốn từ các ngân hàng.

Với các cơ chế khuyến khích về giá điện mặt trời cộng với các cơ chế ưu đãi về đất đai và KHCN, việc đầu tư vào các dự án điện mặt trời sẽ tăng nhanh, suất đầu tư giảm, chắc chắn giá điện mặt trời sẽ giảm nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ chế giá điện đang bị thắt đầu ra, nguồn vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng nguồn và lưới điện, đảm bảo huy động các nguồn NLTT ngày càng tăng; trong khi thủy điện - nguồn điện giá rẻ đang giảm dần, cũng như phụ thuộc ngày càng nhiều vào thiên nhiên. Việc nhập khẩu các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí… đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện tăng cao làm cho khoảng cách giữa giá mua và giá bán ngày càng xa hơn, khả năng cân bằng giữa giá mua và giá bán trên hệ thống điện quốc gia vẫn là “bài toán” khó!PV

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn