MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh SOKFARM.

Vinh quang Việt Nam 2022: Cô gái dân tộc Khmer tạo hướng đi mới cho cây dừa

TẠ QUANG LDO | 03/09/2022 21:00

Vinh quang Việt Nam 2022 - Với mong muốn tạo hướng đi mới cho cây dừa, cô gái dân tộc Khmer Thạch Thị Chal Thi rời khỏi thành thị để về quê Trà Vinh khởi nghiệp với các sản phẩm mật hoa dừa của tỉnh nhà, tạo việc làm cho nhiều lao động và liên kết được 30 nông hộ giúp họ có cuộc sống được ổn định hơn.

Lối đi mới cho cây dừa

Chị Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh SOKFARM (sinh năm 1989, ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) vốn xuất thân từ một gia đình nông dân, đã từng đi học, đi làm nhiều và tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm tại trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh nhưng với tình yêu quê hương cộng với niềm đam mê chế biến nông sản, chị đã rời khỏi thành thị và chọn khởi nghiệp với các sản phẩm mật hoa dừa ở quê nhà tỉnh Trà Vinh.

Chị Chal Thi cho biết, từ năm 2018, Trà Vinh là vùng có nguồn nguyên liệu dừa đứng thứ hai Việt Nam. Đây là năm Trung Quốc không thu mua dừa Trà Vinh, thành ra dừa bỏ rất nhiều, hoặc có những nơi bán với giá rất thấp, chỉ 15 nghìn đồng/12 quả.

Kể về gian khó những năm đầu khởi nghiệp, cô gái Khmer trầm ngâm nói: Năm 2018 tôi chỉ có ý tưởng, lúc đó chưa ai biết cách thu mật hoa dừa. Trong 6 tháng đầu năm không thu được giọt mật nào, khó khăn đầu tiên là nghiên cứu thu mật hoa dừa, sau 6 tháng mới thu được.

“Trong một năm đầu khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình có bao nhiêu sổ đỏ là mình đem đi ngân hàng cầm cố hết để vay tiền xây xưởng, vận hành doanh nghiệp, lúc đó thua lỗ nhiều cũng rất áp lực”, chị Chal Thi rưng rưng nước mắt.

Chị Chal Thi cho biết thêm, thời điểm đó rất nhiều thách thức đặt ra với chị. Có những ngày công ty chỉ bán được 1 lọ nhỏ, khoảng 1 năm đầu là lỗ nhiều. Nhưng chị đã không từ bỏ mà cố gắng mỗi ngày, chỗ nào có hội chợ hoặc chương trình khởi nghiệp là chị tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tới giới thiệu, lan tỏa sản phẩm. Đến nay, đối với thị trường trong nước thì mọi thứ đã vào quỹ đạo, nhưng chị vẫn mong muốn thị trường trong nước sẽ tăng trưởng 200% mỗi năm.

Theo chị Chal Thi, khi làm hàng tự nhiên không có phụ gia vào thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm không đồng nhất từ các mảng. Chị phải ứng dụng tất cả những kinh nghiệm của mình khi đi học và làm ở Sài Gòn để làm ra sản phẩm chất lượng, đồng nhất, hoàn thiện nó một cách tự nhiên nhất.

Hiện doanh nghiệp của chị có 5 sản phẩm nguyên chất từ mật hoa dừa gồm: Mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, đường hoa dừa, mật hoa dừa lên men (gần như cooktail), giấm mật hoa dừa. Mỗi sản phẩm sẽ có số lượng đi thị trường riêng phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Đối với mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa thu về chỉ cần tiến hành lọc, đưa vào máy cô đặc chân không với nhiệt độ thấp 55 - 60 độ C. Sau 8 - 10 tiếng sẽ thu được thành phẩm mật hoa dừa cô đặc, không có trộn thêm gì hết. Sản phẩm này mỗi tháng sản xuất được khoảng 6 tấn.

Còn với mật hoa dừa tươi, khi thu từ vườn về sẽ lọc rồi đem đi thanh trùng ở nhiệt độ 90 độ C trong 15 phút. Sau đó rót ra chai, dán nhãn và đem đi cách đông rồi đưa ra thị trường. Một tháng sản xuất khoảng 30.000 chai mật hoa dừa tươi.

Với đầu ra hiện nay, doanh nghiệp cần phải mở rộng thị trường về kênh chuỗi siêu thị, thu thêm được của các nông hộ và xây thêm nhà máy.

“Hiện doanh số hằng năm tăng trưởng 200%. Riêng năm 2021, bán ra khoảng 200.000 sản phẩm, ước đạt 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chỉ chiếm 10% nên tôi mong muốn rằng thị trường xuất khẩu sẽ đạt 50-60% trong những năm tới”, chị Thi cho hay.

Tạo việc làm cho nhiều nông hộ và nhân công

Làm việc tại công ty gần 4 năm kể từ lúc thành lập đến nay, chị Thạch Thị Lập (38 tuổi - huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, trước đó chị làm công ty may, về sau chị nghỉ may để vào công ty này, với mức lương hiện tại mỗi tháng chị nhận khoảng 9 triệu đồng, số tiền đó đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình.

“Tôi cũng như các công nhân ở đây đã được công ty hỗ trợ rất nhiều. Cụ thể là công ty đã thưởng riêng mỗi khi đạt doanh số, cùng với hỗ trợ về sức khỏe cho các công nhân. Bên cạnh đó, hàng tháng công ty còn tặng mật hoa dừa cho những công nhân nào bị đau bệnh. 

Được sự quan tâm của công ty như vậy, tôi và các công nhân khác đã luôn đồng hành, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để giúp công ty ngày càng phát triển”, chị Lập nói.

Còn chị Kiên Thị Thu Thủy cho biết, chị đã làm công nhân tại công ty được 2 năm, trước đó chị làm việc trên Sài Gòn, sau này có con nhỏ chị về quê làm ở gần nhà để tiện cho việc đi lại và chăm sóc gia đình. Khi làm ở đây mỗi tháng chị kiếm được 7-8 triệu đồng tùy thuộc vào có tăng ca hay không.

“Mọi người thường nói dân miền Tây họ nhậu nhiều, nhưng công nhân của doanh nghiệp mật hoa dừa này chỉ ham thu mật thôi, nếu có đi đám tiệc thì họ đều canh giờ về để đi thu mật hoa dừa chứ không còn nhậu nhẹt nhiều như trước”, chị Chal Thi ví von.

Sau nhiều năm thành lập, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp của chị Chal Thi đã liên kết được 30 nông hộ, mục tiêu đến năm 2025 là liên kết được 100 nông hộ, và đặt mục tiêu đến năm 2030 là 1.000 nông hộ. Qua những kế hoạch và mục tiêu đã định ra, chị mong muốn giúp cho nhiều người có việc làm, cuộc sống được cải thiện hơn.

Đến nay, tổng nhân công của công ty là 33 người bao gồm nhiều khâu và trong đó chiếm khoảng 80% là người dân tộc Khmer.

“Giá trị cốt lõi của Sokfarm chính là xây dựng thương hiệu trên quê hương gắn với nghề truyền thống của người Khmer”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn