MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vốn Nhà nước tại Cơ điện Trần Phú nhiều năm không thu được 1 đồng cổ tức

Phạm Dung- Đức Thành LDO | 09/06/2020 19:00

Nhiều năm trở lại đây, Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú (Trần Phú) làm ăn có lãi,  lợi nhuận sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp đã lên tới con số 650 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết định không chia cổ tức khiến cho nhiều cổ đông bức xúc. 

Làm ăn hiệu quả, nhưng không chia cổ tức

Phản ánh đến Báo Lao Động, cổ đông của Công ty Trần Phú cho biết, những năm gần đây, Trần Phú kinh doanh tốt, liên tục tăng trưởng qua các năm và đều có lợi nhuận. 

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2019 của doanh nghiệp, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt khoảng 2.497 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2018. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 233 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm 2019 là 188 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm 31.12.2019 là 650 tỉ đồng. 

Cũng theo các cổ đông, đến hạn cuối phải công bố báo cáo tài chính hợp nhất là 31.3.2020 thì cổ đông vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính hợp nhất mà chỉ có báo cáo tài chính riêng. 

Dù có lãi lớn nhưng nhiều năm trở lại đây, nhóm cổ đông chi phối của doanh nghiệp không chia cổ tức, không tăng vốn pháp định lên tương ứng khiến cho các cổ đông còn lại bức xúc. 

Được biết, Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú được thành lập từ năm 1984 với tiền thân trên cơ sở sáp nhập hai xí nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, chuyên sản xuất máy móc trang thiết bị cơ khí phục vụ ngành xây dựng.

Đến thời điểm 31.12.2019, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 165,8 tỉ đồng; trong đó, UBND TP.Hà Nội đang nắm giữ tỉ lệ 38,8%; ông Đặng Quốc Chính, Tổng Giám đốc Công ty giữ 25,83%, con số này đã tăng so với đầu năm là 10,49%. Một cổ đông khác đang nắm 24,96% là Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng. Các cổ đông khác chiếm tỉ lệ gần 10%. 

Nhà nước đầu tư nhiều năm, chưa thu được 1 đồng cổ tức

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Sáng- Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Trần Phú là một trong những doanh nghiệp nhà nước “hiếm hoi” sau khi cổ phần hoá làm ăn có lãi và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giá cổ phiếu hiện nay của Trần Phú là 140 nghìn/cổ phiếu, thuộc top cao so với các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hiện nay. 

Công ty Trần Phú hiện nay là công ty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nhà nước chỉ là một cổ đông của công ty. Đối với 38,8% vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TP.Hà Nội đang giao cho 2 người đại diện có trách nhiệm giám sát và báo cáo thành phố. 

Liên quan đến việc chia cổ tức, ông Sáng cho biết, theo báo cáo của Hội đồng quản trị, việc doanh nghiệp này không chia cổ tức nhằm sử dụng số tiền đó tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất. 

Tuy nhiên, hàng năm, UBND TP.Hà Nội đều có văn bản chỉ đạo 2 người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp Trần Phú biểu quyết việc “phản đối việc không chia cổ tức” tại Đại hội đồng cổ đông. 

Song, theo luật doanh nghiệp, cứ 51% vốn đầu tư chủ sở hữu trở lên đồng ý thông qua việc không chia cổ tức thì Trần Phú có quyền để không chia cổ tức. Như vậy, với việc có được số biểu quyết trên 51%, nhiều năm trở lại đây, Trần Phú không tiến hành chia cổ tức dù có lãi lớn. 

Ông Sáng khẳng định, trong năm 2019, do thâm hụt thuế, nên cơ quan thuế Hà Nội rất muốn phía Công ty Trần Phú chia cổ tức để bù vào khoản thâm hụt thuế, tuy nhiên đơn vị này không chia. 

“Việc không chia cổ tức đã thông qua Đại hội đồng cổ đông, 38,8% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này cũng là một cổ đông của doanh nghiệp và phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp”, ông Sáng cho biết. 

Không được chia cổ tức, đồng nghĩa với việc nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp nhưng không thu được bất kỳ đồng nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn