MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiều 11.1, bãi giữ xe trên vỉa hè đường Hải Triều (phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) vẫn hoạt động nhộn nhịp. Ảnh: PV

Nơi nào lấn chiếm vỉa hè, cần cách chức người đứng đầu

TIẾN DŨNG LDO | 13/01/2018 15:28
Trao đổi với PV Báo Lao Động về tình trạng vỉa hè, lòng đường tại TPHCM và Hà Nội bị lấn chiếm làm bãi trông giữ xe trái phép, thậm chí có cả bóng dáng của các cơ quan, đơn vị của quận, phường tham gia vào việc này, các chuyên gia - nguyên đại biểu Quốc hội - cho rằng, muốn pháp luật nghiêm minh cần phải xử lý kỷ luật người đứng đầu, vì người đứng đầu của địa phương được đảng, chính quyền giao trách nhiệm mà không quản lý tốt để cấp dưới làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường - cách chức người đứng đầu

Về vấn đề trên, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng - cho biết, việc này phải xem lại kỷ cương, phép nước và việc ban hành, thực thi văn bản chỉ đạo.

“Hà Nội có Luật Thủ đô, TPHCM có cơ chế đặc thù, vì sao khi lãnh đạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo rồi mà ở dưới không thực thi. Cái này phải làm rõ trách nhiệm đó thuộc về ai, xử lý nghiêm những người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không thể để mãi thế này được” - bà An nói.

Theo bà An, đô thị thì phải văn minh, vỉa hè phải thông thoáng. Mọi chính sách đưa ra đều hướng tới đô thị văn minh, sạch đẹp, kể cả việc xây dựng thành phố thông minh hiện nay cũng hướng tới những điều đó. Chúng ta đã có quy chế về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, để xảy ra những vấn đề bất hợp lý, sai phạm trong việc trông giữ phương tiện, lấn chiếm lòng đường, hè phố như vậy người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên, chuyện đã quá rõ ràng.

“Thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã không thực hiện thì xem xét làm rõ trách nhiệm của đơn vị đó, nơi nào vi phạm, phải cách chức chủ tịch phường, quận. Chỉ có như thế Hà Nội và TPHCM mới văn minh, hiện đại, đúng với mong ước của người dân. Do vậy, chúng ta cần làm rõ, làm nghiêm, làm dứt điểm, làm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai cả việc xử lý cán bộ, xử lý bến bãi sai phạm cho dân biết, dân giám sát, dân kiểm tra” - bà An nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch - Phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng, thứ nhất, việc xử lý vi phạm của các bãi đỗ xe là vấn đề dai dẳng. Bối cảnh hiện nay, cả Hà Nội và TPHCM đều chưa đảm bảo diện tích các bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch. Thông thường, với một đô thị trên 1 triệu dân phải có khoảng 3% diện tích dành cho bãi đỗ xe, xu thế mới có gia tăng các bãi đỗ xe cao tầng và bãi đỗ xe ngầm, nhưng hiện nay Hà Nội và TPHCM chưa làm được nhiều bãi đỗ xe này.

Bên cạnh đó, phải gia tăng các công trình công cộng dành cho đỗ xe. Việc gia tăng diện tích đỗ xe trong các công trình công cộng đã được điều tiết bởi quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, nên cần rà soát lại. Đến nay vẫn còn có các hiện tượng như các hầm đỗ xe, bãi đỗ xe bị biến dạng, không phục vụ cho việc đỗ xe, mà phục vụ cho mục đích riêng của chủ đầu tư, cần rà soát thật chặt chẽ.

Ngoài ra, phải thống nhất việc xem xét xác định lại các điểm đỗ xe lòng đường, hè phố. Gần đây nhất, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội công bố có hơn 200 điểm đỗ xe được cấp phép, cần xem xét lại vị trí các điểm đỗ xe này có phù hợp với thực trạng, yêu cầu của giao thông Hà Nội hay không?

48 bãi xe do phòng, ban quận 1 (TPHCM) đứng tên

Ông Nghiêm cũng chỉ rõ, thêm một tồn tại trong việc thu phí gửi xe nữa là các bãi đỗ xe tự phát thu phí gửi xe với giá cao gấp đôi, gấp ba giá nhà nước quy định, cái này gây thất thu ngân sách, làm mất đi hình ảnh đô thị, cần rà soát lại, xác định lại những diện tích đỗ xe có phép, nay do những điều chỉnh chức năng mới, không hợp lý thì nên thu hồi. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ bãi xe tự phát như các bãi đỗ xe phố cổ, hay khu vực vào phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu vực các quận Ba Đình...

Việc lấn chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe phải bị xử lý nghiêm, xử lý dứt điểm vi phạm, trả lại vỉa hè về đúng với chức năng vốn có của nó.

Đối với TPHCM, 48 bãi đỗ xe do các phòng, ban đơn vị quận 1 đứng sau, theo ông Nghiêm cái đó không thể chấp nhận được, đó là bài học lớn, nhất là việc ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - phải viết đơn xin nghỉ, minh chứng thể hiện một cá nhân dù có nỗ lực đến mấy thì cũng không giải quyết được trật tự đô thị mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Muốn vậy, ở đây phải có cơ chế chính sách và xử phạt nghiêm minh.

“Chúng ta hoan nghênh biểu hiện văn hóa mới, văn hóa từ chức khi không hoàn thành lời hứa trước nhân dân. Tuy nhiên, để có thể xử lý vụ việc dứt điểm, một cá nhân có trách nhiệm với công việc như ông Đoàn Ngọc Hải khi đơn độc thì không thể hoàn thành nhiệm vụ” - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn