MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio. Ảnh: AFP

Thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Sierra Leone

Thanh Hà LDO | 14/03/2022 10:55

Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 20.3.2022. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.

Chuyến thăm cấp cao nhất sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Sierra Leone

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và Phu nhân là một trong những chuyến thăm cấp cao nhất của một lãnh đạo Sierra Leone tới Việt Nam kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 24.6.1982. 

Chiều 9.3.2022, tiếp Đại sứ Cộng hòa Sierra Leone Ernest Mbaimba Ndomahina trình quốc thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vấn đề chuẩn bị và đảm bảo tốt cho các chuyến trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. Cũng trong cuộc tiếp, Chủ tịch nước tin tưởng, trong nhiệm kỳ công tác, Đại sứ Ernest Mbaimba Ndomahina sẽ nỗ lực góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới; đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; khai thác tốt hơn nữa tiềm lực to lớn của hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Sierra Leone trên mọi lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, nông nghiệp, khoa học công nghệ, thương mại… Cùng với đó là tăng cường hợp tác giữa hai nước đối với các vấn đề đa phương, khu vực và trên thế giới.

Đại sứ Ernest Mbaimba Ndomahina bày tỏ sự ngưỡng mộ đất nước và con người Việt Nam đồng thời khẳng định trong nhiệm kỳ sẽ nỗ lực cố gắng thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt Nam và Sierra Leone ngày càng phát triển tốt đẹp và hiệu quả.

Quan hệ song phương Việt Nam - Sierra Leone phát triển tốt đẹp trong suốt 4 thập kỷ qua. 

Về thương mại, kim ngạch song phương Việt Nam - Sierra Leone năm 2020 đạt 49,26 triệu USD tăng trên 200% so với mức 17 triệu USD năm 2018, trong đó Việt Nam xuất gần như tuyệt đối 47 triệu USD (chủ yếu là thuốc lá, máy vi tính, dệt may và nguyên phụ liệu), nhập 2,1 triệu USD (chủ yếu là gỗ và các sản phẩm gỗ). Sierra Leone có 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực marketing và quản lý nhân lực tại Việt Nam với vốn đăng ký 33.185 USD. Việt Nam chưa có dự án đầu tư tại Sierra Leone.

Về nông nghiệp, trong giai đoạn 2004-2013, Việt Nam đã cử một số đoàn công tác của các Viện nghiên cứu và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang khảo sát khả năng hợp tác, xây dựng dự án nông nghiệp tại Sierra Leone. Tuy nhiên, các đề xuất hợp tác chưa được triển khai cụ thể do thiếu nguồn lực. Ngoài ra, có dự án trồng lúa tại Sierra Leone do doanh nghiệp của Việt kiều tại Đức triển khai.

Sierra Leone coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam

Cộng hoà Sierra Leone, có thủ đô là Freetown, nằm ở Tây Phi, phía bắc và đông giáp Guinea, tây giáp Đại Tây Dương, nam và đông nam giáp Liberia. Quốc gia Tây Phi này có diện tích: 71.740 km2, dân số khoảng 8 triệu người (năm 2020). Sierra Leone chính thức trở thành nước cộng hoà, xoá bỏ chế độ toàn quyền Anh, nhưng tiếp tục ở lại Khối Thịnh vượng chung từ ngày 19.4.1971.

Kể từ sau nội chiến 1991-2002, tình hình chính trị - an ninh Sierra Leone dần ổn định, chính quyền nỗ lực tiến hành tái thiết đất nước, cải thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức bầu cử dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt năm 2010. Sau chiến thắng trong tổng tuyển cử năm 2018, Chính quyền Tổng thống Julius Maada Bio tiếp tục duy trì ổn định, triển khai nhiều chính phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên cao cho giáo dục, y tế và nâng cao mức sống người dân.

Sierra Leone thực hiện chính sách đa dạng hoá quan hệ, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, phát triển quan hệ với các nước lớn, EU. Sierra Leone coi trọng thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, trong đó có Việt Nam.

Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, 2/3 dân số Sierra Leone sống bằng nghề nông. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như khoáng sản (kim cương, vàng, ti-tan, bô-xít, sắt), thủy hải sản và tiềm năng phát triển nông nghiệp (sản phẩm chính là lúa, lạc, dầu cọ, chà là, ca cao) nhưng cơ sở hạ tầng và nền kinh tế nước này phần lớn bị tàn phá sau cuộc nội chiến kéo dài từ 1991-2002 và dịch Ebola giai đoạn 2014-2016. Các sản phẩm xuất khẩu chính gồm quặng sắt, kim cương, quặng titan nhưng thu nhập từ xuất khẩu chịu ảnh hưởng lớn bởi sự dao động của giá nguyên liệu thế giới. 

Chính quyền Tổng thống Julius Maada Bio đang triển khai Kế hoạch phát triển trung hạn 5 năm (MTNDP- 2019-2023) với 4 mục tiêu chính gồm: Xây dựng nền kinh tế xanh, đa dạng và bền vững; Nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục, y tế của người dân; Đảm bảo xã hội công bằng, hòa hợp, ổn định; Đầu tư kết cấu hạ tầng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn