MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kíp chiến đấu Trung đoàn 66 bên chiếc xe Jeep trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh Bảo tàng LSQSVN

Hồi ức của người lái xe đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra hàng

X.Hùng - H.Thu LDO | 07/05/2017 16:25
Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng khuôn mặt người lính cầm vô lăng đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Dương Văn Minh cùng các thuộc cấp ra Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng, vẫn rạng ngời hạnh phúc khi nhắc đến thời khắc lịch sử trọng đại ấy.

Thời khắc lịch sử

“Không hiểu sao, cứ vào những ngày này, mọi ký ức của hơn 40 năm trước trong tôi dường như sống lại. Cảm giác được lái chiếc xe Jeep mang biển số 15770 chở ông Dương Văn Minh ra hàng vẫn còn hiện hữu”, ông Đào Ngọc Vân (SN 1950), phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Ngày ấy, cũng như bao thanh niên cùng thời khác, 18 tuổi ông Vân hăng hái xung phong vào chiến trường nhưng không được chấp nhận vì ông quá nhỏ (chỉ có 30 kg). Rồi ông trở thành công nhân giao thông của Phòng Thị chính, thị xã Thanh Hóa (đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải bây giờ). Và làm nhiệm vụ lái máy ủi trong đội xe giải phóng giao thông cầu Hàm Rồng.

Năm 1972, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi tổng động viên. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 7.1972, ông có mặt tại chiến trường Quảng Trị, rồi được biên chế vào đại đội 14, trung đoàn 66, sư đoàn 304 (C14, E66, F304). Ngay trong lần thử lửa đầu tiên, ông đã cùng đồng đội tham gia những trận đánh ác liệt tại đường 9 - Nam Lào, rồi lần lượt là các chiến trường A Sầu, A Lưới, Thượng Đức, Đại Lộc… Tại chiến trường Đại Lộc, trong số những chiến lợi phẩm mà trung đoàn 66 thu được của địch bỏ lại khi tháo chạy, có chiếc xe Jeep mang biển số 15770.

“Anh em trong đơn vị không ai biết lái, vì tôi từng lái xe ngang dọc ở xứ Thanh rồi, nên nhảy ngay lên xe cầm vô lăng, vừa tuần tự thực hiện các bước, vừa dò dẫm lái xe trong tiếng vỗ tay tán thưởng của đồng đội. Các thủ trưởng trung đoàn thấy vậy cũng vui vẻ cho phép tiểu đội tôi được thu giữ chiếc xe Jeep này để tiếp tục hành quân xuống giải phóng Đà Nẵng. Và nó gắn với đời tôi bắt đầu từ đó”, ông Vân bồi hồi nhớ lại.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với khí thế thắng như chẻ tre, đơn vị ông lần lượt vượt qua Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang rồi đến Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn. Ông Vân kể tiếp: “Khoảng 6 giờ sáng ngày 30.4.1975, Trung đoàn 66 cùng với xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) tiến sát cầu Sài Gòn. Phát hiện được lực lượng của ta, địch dùng 8 chiếc xe bọc thép M113 và 4 chiếc xe tăng M41 cùng bộ binh chống trả quyết liệt trên cầu Sài Gòn. Lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203 tập trung binh lực đánh mạnh xe tăng địch.

Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 dùng xe Jeep nhanh chóng dẫn đơn vị vượt qua cầu Sài Gòn, thọc sâu vào nội đô cùng phối hợp chiến đấu với các binh đoàn khác. Theo mệnh lệnh, tôi lái chiếc xe Jeep 15770 đưa đại úy Phạm Xuân Thệ vượt cầu Sài Gòn trong mịt mù khói lửa và ầm ầm đủ loại súng tăng súng máy nổ vang trời. Tôi tăng ga lao nhanh, nhưng do chưa từng vào nội đô bao giờ, nên còn lúng túng khi xác định đường đến mục tiêu cuối cùng là Dinh Độc Lập của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Đại úy Thệ mời một người đàn ông trung niên dáng chắc nịch, mặc áo sơ mi cộc tay, cầm cờ Giải phóng lên xe để chỉ đường. Khi nhìn thấy tòa nhà cao tầng, trên nóc có treo cờ ba sọc, người dẫn đường nói to: “Đó chính là Dinh Độc Lập”. Lúc này, chiếc xe tăng 390 của Lữ đoàn 203 đã húc đổ cổng chính của Dinh và lao vào trong. Tôi bèn dấn ga lái chiếc xe Jeep vượt qua cổng rồi vòng theo đường viền bên phải tiến vào sảnh Dinh, để mọi người nhanh chóng ra khỏi xe, di chuyển lên tầng hai tòa nhà”, ông Vân đưa chúng tôi về niềm ký ức.

10h30 phút, ông nhận được lệnh ra xe để tiếp tục làm nhiệm vụ. Ông kể tiếp: Lúc đó, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cầm súng ngắn, dẫn theo hai người đàn ông tiến lại chiếc xe Jeep 15770, phía sau có nhiều cán bộ, quân giải phóng. Mọi người cùng lên xe, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng một người ngồi hàng ghế phía trên, một người nữa ngồi phía dưới cùng trung úy Phùng Bá Đam và Nguyễn Khắc Nhu. Hai chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất ngồi hai bên thành xe. Mãi sau này tôi mới biết người đeo kính trắng, đi giầy đen ngồi ngay bên cạnh mình chính là Tổng thống Dương Văn Minh, còn vị quan chức mặc bộ comple, sơ mi trắng ngồi phía sau là Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu.

Xe ra khỏi tòa nhà, theo chỉ dẫn của một thanh niên mặc áo trắng trạc 35 tuổi đứng ngay phía ngoài tay lái, trên bậc cửa xe, chúng tôi đến Đài phát thanh Sài Gòn chỉ sau ít phút đồng hồ… Đúng 11giờ 30 phút ngày 30.4.1975, các loa phóng thanh Sài Gòn cùng phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. “Lúc đó, tôi nhảy ra khỏi xe, ôm lấy đồng đội và nhân dân bên đường mà hét to lên rằng: “Giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi”. Cả thành phố cũng sôi động trong tiếng reo hò không ngớt. Cho đến tận hôm nay, hơn 40 năm sau nhưng vẫn còn nguyên vị mặn của giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày độc lập ấy”, ông Vân nói.

Bình dị giữa đời thường

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Đào Ngọc Vân trở về với cuộc sống thường nhật ở quê nhà, bên người vợ hiền và những đứa con ngoan tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Đến một ngày đầu năm 2008, khi Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam phục dựng chiếc xe Jeep của thời khắc lịch sử ấy, ông Vân cung cấp thêm một tư liệu quý giá đó là bức ảnh ông chụp kỷ niệm với anh Phùng Bá Đam bên cạnh chiếc xe Jeep tại Sài Gòn vào tháng 8.1975. Phóng to bức ảnh, xác định được trên biển xe có một ngôi sao trắng và một dãy số 1577…, Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) đã giám định và xác định được số 0 nằm ở cuối. Và chiếc xe Jeep “lùn”, kiểu M151A2 mang biển số 15770 đã được phục dựng thành công, như một chứng tích của lịch sử… Chiếc xe do Mỹ sản xuất vào những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ trước và đến năm 1970 đưa vào sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cũng như bao chiến sĩ khác, được có mặt trong thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc là niềm hạnh phúc, là ký ức không thể nào quên trong ông Đào Ngọc Vân. Câu chuyện được ông từng kể nhiều lần nhưng vị mặn của giọt nước mắt “vui mừng lắm, hạnh phúc lắm” vẫn vẹn nguyên như của hơn 40 năm thuở ấy.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn